“Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”. Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch là cả vùng nước lợ xôn xao đón vụ rươi mới.
Năm nay, rươi ít hơn và vì vậy giá đắt hơn mọi năm. Đầu mùa giá khoảng 400.000 – 450.000 đồng/kg, nay đã lên 500.000 đồng/kg và rất đắt hàng.
Ở Hải Phòng, rươi có ở vùng bãi bồi nước lợ các sông Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, thuộc địa phận các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Vào mùa, nhà nhà đều gác mọi việc sang một bên, huy động toàn bộ lực lượng lao động trong nhà để đi vớt rươi. Người ta trông ngóng thủy triều lên là đổ ra các bãi triều ven sông, cửa lạch, cửa cống…, những nơi thường có rươi.
Khi con nước bắt đầu xuống, người ta dùng “săm” – một dụng cụ làm bằng lưới mắt rất nhỏ đem chặn ở các cửa nước chảy để bắt rươi. Hoặc có thể dùng lưới, vợt hay rổ rá vớt rươi lên.
Mùa rươi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, thường tập trung cao điểm vào ngày 20/9 và ngày 5/10. Vì thế mà dân gian có câu “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là để nói về ngày rươi nổi.
Nhiều năm trước đây, khi đồng ruộng còn trong lành, rươi vùng nước lợ cửa biển nhiều vô kể. Vào những ngày cao điểm, mỗi nhà vớt được hàng tấn rươi là thường. Nay thì rươi ít dần đi, còn người bắt rươi thì đông dần lên.
Rươi được đựng trong các khay xốp để thương lái vận chuyển đi xa
Giữ lại lộc trời
Những năm gần đây, ở Hải Phòng xuất hiện nhiều hộ nuôi rươi. Có mô hình rất thành công như hộ anh Lê Xuân Thắng (thôn 2, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng) có 40 mẫu đầm rươi kết hợp nuôi khoảng 4.000 con gà đẻ. Thức ăn thừa và chất thải từ trang trại gà tận dụng để nuôi rươi. Đầm rươi mỗi năm cho thu hoạch từ 5 – 7 tấn rươi, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
Nói là “nuôi” cũng không hẳn, vì theo các chủ đầm, rươi không nuôi được. Cho đến nay, đối với người dân vùng nước lợ, rươi vẫn là một loài đầy bí ẩn, là “đặc sản quái dị nhất trong tất cả các sinh vật vùng nước lợ”. Bởi người ta hầu như không biết nó ăn thức ăn gì, sinh sản ra sao…, họ chỉ quây đầm để đón rươi tự nhiên rồi thu hoạch.
Tìm hiểu, khám phá về loài rươi vẫn luôn là nỗi khao khát của người vùng nước lợ. Đối với họ, rươi thoắt ẩn thoắt hiện thật khó lường. Có đầm mùa năm trước thì rươi lên đặc mặt nước, chủ đầm trúng lớn, nhưng đến năm sau chờ đợi mỏi mòn lại chẳng thấy con nào, trong khi đã phải bỏ ra không ít tiền để thầu đầm bãi.
Trên những vùng bãi triều hoặc đất ruộng sát bờ sông có nước thủy triều ra vào thường xuyên, nếu thấy có rươi con dưới đất sâu khoảng nửa mét thì họ thầu và cải tạo thành đầm nuôi rươi.
Ông Bùi Đặng Đãi – chủ một đầm rươi ở làng Thanh Trì (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) cho biết, diện tích đầm càng rộng càng tốt, không giới hạn. Khi cải tạo đầm phải làm bờ bao chắc chắn, xây cống để cấp và thoát nước cho đầm đồng thời là nơi lấy giống tự nhiên và cũng là nơi thu hoạch rươi. Đầm nuôi cần bằng phẳng và dốc về phía cống để đầm róc nước khi tháo.
Hằng năm phải đắp bờ vùng, cải tạo lại đầm một lần. Họ trông vào thủy triều để lấy giống rươi từ tự nhiên trong suốt mùa sinh sản của nó. Vào kỳ con nước thủy triều tháng 4, 5 và tháng 9, 12 âm lịch, họ mở cống lấy nước vào đầm, ấu trùng rươi sẽ theo nước vào và chui xuống lớp bùn sinh sống. Sau khi thủy triều rút 4 – 6 giờ mới tháo nước ra, luôn giữ lại mực nước trong đầm 30 – 40 cm.
Quá trình nuôi rươi không được dùng bất cứ loại hóa chất nào. Các đầm nuôi rươi ở Hải Phòng vẫn thường cấy một vụ lúa chiêm hằng năm, chủ yếu để cho đất tơi xốp và tạo sinh cảnh cho rươi vì rươi thích ở gốc rạ. Để bảo vệ rươi, vụ lúa ấy không được phun bất kỳ một loại thuốc trừ sâu hay bón lân, đạm… mà để lúa sống hoàn toàn tự nhiên.
Thu hoạch rươi
Rươi sau 6 tháng nuôi trong đầm thì có thể thu hoạch được. Người ta chờ thủy triều lên sẽ lấy nước vào đầm. Rươi trưởng thành bị kích thích bởi thủy triều sẽ nổi lên mặt nước, bơi ra cống để di cư sinh sản. Ở cửa cống, người ta đặt lưới mắt nhỏ chừng 1 – 3 mm để thu rươi.
Biến động như giá vàng
Ông Bùi Đặng Đãi cho hay, sản lượng thu hoạch phụ thuộc 100% vào yếu tố thời tiết và môi trường. Rươi mà gặp nước mặn sẽ bị vỡ hết nên nếu đầm bị nước mặn xâm nhập thì coi như mất mùa rươi. Hoặc nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì rươi cũng không chịu “thò mặt” lên.
Không những không nuôi được, rươi còn không bảo quản được. Thu hoạch đến đâu thì dù giá đắt hay rẻ cũng phải bán ngay đến đấy. Giá cả luôn luôn biến động, thậm chí từng giờ, thay đổi lên xuống như giá vàng.
Thông thường, vào đầu mùa rươi, vùng nào có rươi trước sẽ bán được giá ngất ngưởng, có thời điểm đến 1 triệu đồng/kg. Hoặc trong cùng một vùng, giá sẽ đắt nếu ngày hôm đó chỉ có ít đầm có rươi. Nếu gặp ngày khắp nơi đều thu hoạch được nhiều thì giá rớt chóng mặt, có khi chỉ còn một phần mười. Nhưng chỉ vài ba hôm sau, vào kỳ giáp hạt giữa hai con nước, rất ít nhà còn rươi bán thì giá lại tăng vọt lên.
Cũng theo các chủ đầm, ở các “vựa rươi” huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, rươi chủ yếu được bán cho những chủ buôn lớn để họ xuất bán sang Trung Quốc.
Ở những vùng đầm lớn, hầu như không bao giờ bán rươi ra ngoài vì đầm nào cũng đã có sẵn thương lái “thầu mua”. Mỗi vụ thu hoạch, họ đánh xe tải có thùng đông lạnh đến chở rươi đi. Còn rươi bán ngoài chợ chủ yếu là của các thương lái nhỏ lẻ, thu mua ở các tỉnh lân cận và ở những vùng đầm nhỏ hoặc mua của người dân đi vớt trong tự nhiên.
Rươi bán ở chợ thường bé và xanh (gọi là rươi cỏ). Những người lâu năm trong nghề rươi cho biết, thương lái mua rươi về sẽ bơm thuốc cho rươi “chín”, to và sống lâu rồi mới đem bán.
Nhiều chủ đầm cũng bật mí, các thương lái bán rươi nhỏ lẻ ở các chợ hoặc ven đường thường sử dụng một “tiểu xảo” để tăng khối lượng: nhờ “chế” thêm nước (nước lợ) vào rươi, cứ 4 kg mua tại đầm sẽ thành 5 kg khi họ bán ra. Nhưng dù thế nào thì rươi vẫn đắt hàng, bởi ai cũng có tâm lý muốn ăn rươi đầu mùa trong mùa rươi ngắn ngủi.
Mặc dù nay người ta có thể cấp đông để có rươi ăn quanh năm nhưng đối với nhiều người, ăn rươi đúng mùa vẫn là ngon nhất. Trong tiết giao mùa, mâm cơm mỗi nhà vùng nước lợ thế nào cũng có bát mắm rươi, món chả rươi hoặc rươi kho nồi đất.
>> Nhà văn Vũ Bằng từng viết trong Món ngon Hà Nội: “Cứ đến những ngày cuối thu, tất cả gia đình miền Bắc, không nhiều thì ít, cũng đều ăn rươi” bởi vì đó “là một công lệ, đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ…”. |