Với bờ biển dài hơn 70 km, Quảng Trị là địa phương có thế mạnh về khai thác thủy sản, với các loại hình khai thác như lưới kéo, lưới rê, lưới vây… Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, do giá nguyên liệu, nhiên liệu, ngư lưới cụ tăng cao, cộng với sự bất thường của thời tiết, sự sụt giảm của nguồn lợi thủy, hải sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác của ngư dân trong tỉnh.
Với tiêu chí cơ giới hóa nghề cá, ứng dụng thiết bị hiện đại khai thác thủy sản nhằm đẩy mạnh vươn khơi xa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giảm khai thác ven bờ, năm 2015, trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng máy dò ngang sonar trên tàu cá QT 90736TS của ông Lê Vinh ở tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh). Theo đó, tàu cá của ông Vinh được lắp đặt máy dò ngang sonar hiệu Furuno CH-250 trị giá 300 triệu đồng, trong đó Trung tâm KNKN hỗ trợ 150 triệu đồng, chủ tàu đóng góp 150 triệu đồng.
Được mùa cá
Kỹ sư Nguyễn Vĩnh Tùng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm KNKN tỉnh cho biết, từ trước đến nay, đa số ngư dân sử dụng máy đo sâu hay còn gọi là máy dò đứng để dò cá nên hiệu quả khai thác chưa cao, do mức độ phát hiện đàn cá hẹp, chỉ phát hiện được đàn cá ngay dưới đáy tàu. Còn máy dò ngang sonar là thiết bị có chức năng phát hiện, xác định vị trí và có thể nhận dạng, phân biệt các đối tượng trong lòng đại dương. Máy hoạt động theo nguyên lý phát sóng siêu âm xuống biển để phát hiện đàn cá xung quanh tàu với cự li bán kính lên tới 1.000 m. Qua kết hợp với các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc, giúp cho thuyền trưởng có thể vừa quan sát từng vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của đàn cá… Ngoài ra, máy còn có chức năng bám đàn, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới, tăng xác suất bắt gặp đàn cá cao hơn nhiều so với máy dò đứng. Nhờ vậy khi trang bị máy dò ngang sonar đã giúp cho chủ tàu nhiều lợi ích như: Tiết kiệm nhiên liệu do thấy cá từ xa, không phải chạy lòng vòng tìm cá, không phải đến ngư trường quá xa; không đánh sót cá, thấy đủ số lượng cá mới đánh, do thấy rõ đàn cá nên có thể vây trọn cả đàn; giúp quan sát rõ địa hình và chất đáy, phân biệt được cá và rạn đá, rạn san hô.
Ông Lê Vinh, chủ tàu cá QT 90736TS cho biết, sau khi nghiệm thu kỹ thuật, tranh thủ thời tiết thuận lợi ông đã cho tàu ra khơi đánh bắt chuyến đầu tiên. Kết quả chỉ sau 3 ngày đánh bắt đã khai thác được 8 tấn cá nục, mang lại doanh thu gần 90 triệu đồng. Sử dụng máy dò ngang khi đánh bắt tần suất gặp cá nhiều hơn, năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với trước đây, có khi chỉ một mẻ lưới cũng cho sản lượng gần 3 tấn cá. Đặc biệt là với máy dò ngang tàu của ông không cần phải di chuyển ở diện rộng nên tiết kiệm được nhiên liệu. Đồng thời, máy đem đến thông tin chính xác đàn cá lớn hay bé để quyết định bủa lưới hay không. Đây là yếu tố quan trọng để giảm chi phí đánh bắt và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Nguyễn Thanh Tùng, với hơn 180 tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên, có thể nói nhu cầu lắp đặt máy do ngang sonar của ngư dân là rất lớn. Do vậy trong thời gian tới, Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên các tàu đánh bắt xa bờ đủ điều kiện. Trước mắt, trong năm 2015 này, trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KNKN tỉnh sẽ triển khai thêm 1 mô hình ứng dụng máy dò ngang sonar trên tàu cá QT91414TS của do ông Võ Văn Thức ở tại thôn Xuân Ngọc (xã Gio Việt, huyện Gio Linh) làm thuyền trưởng. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền viên sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị cần thiết trên tàu cá, đặc biệt là sử dụng máy dò ngang, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an toàn nghề cá.
Có thể nói, hiệu quả của máy dò ngang sonar là rất rõ ràng. Những tàu cá trang bị máy dò ngang sonar cũng giống như trang bị thêm cho mình “con mắt” quan sát dưới nước, vừa góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt, vừa phòng tránh được những rủi ro nơi đáy biển. Nhưng hiện nay, tỷ lệ tàu cá có gắn máy dò ngang trên địa bàn tỉnh còn thấp so với số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của địa phương. Một trong những lý do mà ngư dân còn ngần ngại là các loại máy dò ngang sonar có giá tương đối cao. Theo một số ngư dân cho biết, họ rất muốn lắp thiết bị dò cá này cho tàu cá của mình nhưng do chi phí lắp đặt thiết bị lên tới hơn 300 triệu đồng/ máy/tàu là khá cao, vượt quá khả năng của họ. Vì thế, bên cạnh các mô hình của Trung tâm KNKN tỉnh, ngư dân rất cần nhà nước có chính sách ưu đãi như vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để họ có điều kiện trang bị máy dò ngang sonar trên tàu nói riêng cũng như dễ tiếp cận được với các thiết bị công nghệ hiện đại khác trong khai thác thủy sản xa bờ. Đây là yếu tố quan trọng để ngư dân hiện đại hóa đội tàu, vươn khơi bám biển đánh bắt có hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.