Tính đến nay, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; trong tổng số 13 dự án được UBND tỉnh phê duyệt (đợt 1), trừ 5 ngư dân chính thức rút lui, đã có 8 ngư dân trong tỉnh triển khai đóng mới 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (1 tàu vỏ sắt, 1 tàu vỏ nhựa composite, 1 tàu vỏ gỗ bọc composite), 2 tàu khai thác hải sản vỏ nhựa composite và 3 tàu khai thác hải sản vỏ gỗ bọc composite.
Ngoài 1 chiếc tàu dịch vụ đã hạ thủy vào cuối tháng 10, các tàu đóng mới còn lại dự tính sẽ hạ thủy vào cuối năm nay và đầu năm 2016.
Dù làm dịch vụ hậu cần nghề cá hay khai thác đánh bắt, điểm chung là tàu đóng mới theo Nghị định 67 đều là tàu có công suất lớn từ 500 – 1.000 CV. Sau khi 4 dự án rút tên, huyện Ninh Hải còn lại 3 dự án gồm 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của anh Nguyễn Đức Hải, 1 tàu vây rút chì của anh Lê Minh Trí (thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải) và 1 tàu vây rút chì của ông Nguyễn Văn Mười (khu phố Ninh Chử 2, thị trấn Khánh Hải). Anh Nguyễn Đức Hải, chủ chiếc tàu vỏ nhựa composite có công suất 500 CV hạ thủy đầu tiên ở tỉnh ta, cho biết: “Tàu cá tôi chuyên làm dịch vụ hậu cần thủy sản, được đóng trong thời gian 4 tháng, với vốn vay 7,3 tỷ đồng, nếu tính cả trang thiết bị hàng hải có tổng chi phí 7,9 tỷ đồng. Trong quá trình thi công đều suôn sẻ, hạng mục xong tới đâu, ngân hàng giải ngân đến đó, nói chung không gặp bất cứ trở ngại gì trong việc vay vốn Nghị định 67”. Theo kế hoạch từ nay đến cuối tháng, Ninh Hải sẽ hạ thủy chiếc thứ 2 (công suất 800 CV) của ông Nguyễn Văn Mười và đầu năm 2016 hạ thủy chiếc thứ 3 (500 CV) của anh Lê Minh Trí, nâng tổng số lên 3 tàu vỏ composite đóng mới theo Nghị định 67 ở Ninh Hải được hạ thủy.
Bọc composite cho tàu vỏ gỗ tại cơ sở đóng tàu Thông Bảo (Tri Hải, Ninh Hải).
Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sau khi có 1 dự án rút tên, chính thức còn lại 5 dự án, gồm 2 tàu dịch vụ hậu cần (1 chiếc 1.000 CV và 1 chiếc 800 CV), 3 tàu khai thác (1 chiếc 800 CV và 2 chiếc 700 CV), trong đó đáng chú ý có 1 tàu vỏ sắt (800 CV) đầu tiên của ngư dân tỉnh nhà do anh Dương Văn Thắng, khu phố 9, phường Mỹ Đông, đứng tên đang chuẩn bị hạ thủy. Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, tàu vỏ nhựa composite hoặc tàu vỏ gỗ bọc composite có ưu điểm là độ bền vững và an toàn khi ra khơi cao hơn tàu vỏ gỗ, đặc biệt là tàu vỏ sắt có thể chịu được sóng gió cấp 8, 9. Ngư dân Dương Ngọc Em, cha của Dương Văn Thắng, cho biết: “Ban đầu gia đình dự định vay vốn đóng tàu composite, nhưng con trai tôi đã phân tích mặt lợi ích của tàu sắt và tự đứng tên đăng ký đóng với vốn vay 14 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng còn lại của gia đình”. Theo quy định, để được xét chọn vay vốn, các ngư dân tham gia dự án phải đáp ứng các điều kiện về công suất tàu, nghề hoạt động, vùng đăng ký hoạt động, đã khai thác hải sản hiệu quả, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và có năng lực tài chính. Các ngư dân Võ Ngọc Minh (khu phố 9, phường Đông Hải) với kinh nghiệm 20 năm và Nguyễn Đức Hải với kinh nghiệm 10 năm hành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, khi trao đổi với chúng tôi đều cho biết họ rất lạc quan về hiệu quả làm dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ, có kế hoạch trả nợ thiết thực và sẽ nỗ lực, phấn đấu trả trước hạn.
Nhìn chung qua gặp gỡ, trò chuyện với các ngư dân vay vốn Nghị định 67, chúng tôi đều ghi nhận được vẻ háo hức và đầy quyết tâm của họ khi tự tin trình bày kế hoạch sản xuất và phương án trả nợ. Tuy nhiên cũng có ngư dân còn băn khoăn vì việc giải ngân cho dự án chỉ tính tới vỏ tàu mà không quan tâm tới các trang thiết bị trên tàu. Đơn cử ông Dương Ngọc Em, có nguyện vọng vay thêm khoảng 2 tỷ đồng để trang bị máy dò ngang (loại hiện đại nhất của Nhật Bản) và máy phát điện công suất lớn, nhưng chưa được ngân hàng chấp thuận. Ông tâm sự: “Tôi hiện có tàu 160 CV đang làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở biển khơi, nhưng cũng sử dụng máy dò ngang tham gia khai thác bằng cách nếu quét máy phát hiện có đàn cá lớn sẽ gọi tàu bạn đến đánh bắt chia đôi, rồi thu mua cả phần của tàu bạn vận chuyển vào bờ”. Theo kinh nghiệm của ông, nếu trang bị cho tàu sắt máy dò ngang và máy phát điện như yêu cầu, ông sẽ làm ăn hiệu quả gấp đôi và rút ngắn thời gian hoàn vốn, lãi cho ngân hàng trước hạn. Hiện nay, ông đang tiếp tục đề xuất và rất mong Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đáp ứng nguyện vọng chính đáng của mình.
Có thể nói nhờ sự giúp sức của ngân hàng, với chí hướng vươn khơi xa (cụ thể là Trường Sa), các ngư dân vay vốn Nghị định 67 đợt đầu ở Ninh Hải và Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đã tạo ra chất xúc tác quan trọng. Chính vai trò tiên phong của họ đang góp phần tác động chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề, cơ cấu hải sản đánh bắt có giá trị kinh tế cao và góp phần mở ra triển vọng mới của nghề cá tỉnh nhà trong tương lai.