Cận Tết, các làng biển hối hả không khí bảo dưỡng máy móc, vật liệu tàu thuyền, hạ thủy tàu mới nhằm chuẩn bị cho một năm vươn khơi bám biển được thuận lợi. Đồng thời cũng tạo cơ hội tăng thu nhập cho nhiều lao động làm nghề sửa chữa tàu thuyền.
Rộn ràng ở các triền đà
Ở HTX đóng tàu Cổ Lũy xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi), những ngày này gần như không còn chỗ trống do tàu thuyền đến sửa chữa và thuyền đóng mới. Không khí lao động nơi đây rộn ràng như một công trường. Thời điểm này, HTX có trên 200 thợ đóng tàu luôn tay làm việc ngày đêm để kịp thời đáp ứng nhu cầu sửa chữa cũng như hạ thủy tàu thuyền mới cho ngư dân kịp chuyến biển đầu năm. Ông Trần Viết Minh – Chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện tại, HTX đang có 10 tàu công suất trên 900 CV đang được “làm nước” và 20 tàu đóng mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong đó có 4 tàu sẽ được hạ thủy trước Tết, với công suất từ 450 – 850 CV.
Các làng biển hối hả bảo dưỡng tàu thuyền – Trong ảnh: Sơn mới, sửa chữa tàu thuyền tại một triền đà ở Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi).
Còn tại xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), hàng chục năm nay đã hình thành nhiều triền đà sửa chữa tàu thuyền. Tại triền đà của ông Võ Thủy có gần 10 tàu công suất từ 300 – 600 CV nằm thứ tự trên bãi để sửa chữa. Phần lớn phương tiện được sơn mới, tu sửa ván tàu, sửa lại ca-bin… Nhanh tay quét lại lớp sơn mới cho một con tàu, anh Huỳnh Tấn Quang – thợ sửa chữa tàu cho biết: “Con tàu là tài sản quý giá của ngư dân nên thường được kiểm tra, gia cố định kỳ sau khi kết thúc mùa khai thác. Ở làng biển này, dấu hiệu để biết Tết đến, Xuân về là khắp bến sông rộn rã không khí “làm nước” tàu thuyền”.
Tàu đánh bắt đóng bằng vật liệu gỗ thông thường mỗi năm “làm nước” một lần, nhất là vào thời điểm trước Tết. “Không chỉ sơn mới hay thay ván tàu, các chủ tàu có thể yêu cầu đại tu khi phương tiện gặp sự cố hư hỏng hoặc xuống cấp” , ông Thủy cho biết. Chính vì vậy, trên địa bàn còn xuất hiện nhiều cơ sở buôn bán thiết bị ngư cụ, dụng cụ phục vụ khắc phục tình trạng phương tiện xuống cấp. Chỉ tính riêng thôn Kỳ Xuyên đã có đến 3 triền đà phục vụ cho công tác sửa chữa cho phương tiện đánh bắt công suất nhỏ với phương pháp thủ công. Ngoài ra, ở thôn An Vĩnh các triền đà gần cảng Sa Kỳ còn tiếp nhận tàu có công suất lớn hơn do gần cảng biển và có trang thiết bị sửa chữa hiện đại. Thời điểm trước Tết, trời nắng đẹp nên ngư dân tranh thủ “làm nước” tàu nhằm chuẩn bị tốt nhất cho vụ cá nam.
Thợ sửa tàu tăng thu nhập
Cũng trong tháng cuối cùng của năm, những người thợ sửa chữa tàu thuyền có cơ hội tăng thêm thu nhập khi lượng tàu về “tân trang” khá đông. Tại các triền đà xã Tịnh Kỳ, nhiều người hì hục khuân vác gỗ, pha dầu rái, đục đẽo thân tàu để sửa chữa những chiếc thuyền hỏng hóc. Vừa căng sức uốn thanh gỗ để đóng lên thành thuyền xong, ông Trần Văn Hòa vuốt mồ hôi trên trán bảo: “Tháng này cực nhất trong năm đấy, làm mãi vẫn không thấy hết việc”. Tiếp lời ông Hòa, anh Huỳnh Tấn Quang tính toán “Nghề này hơi cực, nhưng vào thời vụ là kiếm được tiền. Năm nay, nhiều tàu thuyền có nhu cầu sửa chữa nên tôi ước tính có thể kiếm thêm thu nhập hơn 30 triệu, đủ tiền sắm sửa ngày Tết và lo cho con đi học rồi”. Nghề sửa tàu thuyền tuy cực nhọc, hoạt động theo mùa vụ, nhưng đã phần nào giúp những người thợ như ông Hòa, anh Quang có thêm thu nhập đáng kể.
Chủ nhiệm HTX đóng tàu Cổ Lũy cho biết thêm, hiện nay số lượng thợ đang làm việc tại HTX tăng gấp 4 lần so với thời điểm khác trong năm. Ngày công của thợ sửa, đóng tàu cũng khá cao từ 300.000 – 500.000 đồng, nhưng lượng thợ cũng khan hiếm nên phải huy động thợ ở các tỉnh khác vào mới kịp tiến độ được.
>> Ở tỉnh Quảng Ngãi, trong số 27 cơ sở đóng tàu đang hoạt động trên địa bàn thì có 6 cơ sở được UBND tỉnh công bố đủ điều kiện đóng tàu, đặc biệt là đóng được tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đó là chưa kể hàng loạt cơ sở sửa chữa tàu thuyền quy mô nhỏ hình thành từ nhiều năm nay, đủ sức “chữa bệnh” cho tàu thuyền công suất nhỏ. |