Mong trời yên biển lặng, nhiều cá, tôm để có một cái Tết sum vầy, đó là những kỳ vọng của ngư dân khi chuẩn bị cho tàu ra khơi chuyến biển giáp Tết Bính Thân 2016.
Những ngày giữa tháng Chạp, tiết trời lạnh buốt nhưng trên các cầu cảng thuộc Âu thuyền Thọ Quang, không khí chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối năm vẫn hết sức nhộn nhịp. Tiếng máy nổ, tiếng trò chuyện râm ran của thuyền viên đã xua tan không khí lạnh “cắt da cắt thịt”.
Thuyền trưởng Trần Quang Trung (trú Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNg 97979 TS) đang cùng các lao động của mình khẩn trương bốc đá. Hơn một trăm cây đá được xay mịn đưa xuống các hộc, gần 50 cây còn nguyên chất xếp gọn thành 2 hộc để “dự phòng”.
Mặc dù thời tiết lạnh buốt, nhưng ngư dân miền Trung vẫn chuẩn bị đá, nhiên liệu để đi chuyến biển cuối năm.
Đã 15 năm làm cái nghề “hồn treo cột buồm”, nhưng với ông Trung cũng như các “bạn”, chuyến biển cuối năm luôn là chuyến mong đợi, đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt. “Dự kiến chuyến này đi chừng 10 ngày tại ngư trường Hoàng Sa, sau đó về để các lao động nghỉ ngơi ăn Tết”, ông Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, nhìn trời lạnh, biển đang động nên ông cũng nóng ruột nóng gan. “Tết nhất đến nơi mà thời tiết xấu quá. Cũng phải chờ hai, ba ngày nữa mới rời bến được”, ông Trung than thở khi nhìn tiết trời lạnh giá.
Anh Trần Đức (trú Đức Phổ, Quảng Ngãi) chủ tàu cá QNg 98014 TS chuyên đánh cá ở khu vực Hoàng Sa phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi đang chuẩn bị hơn 350 cây đá, 3 tấn dầu và một lượng thức ăn khá lớn phục vụ cho 11 thành viên trên tàu trong khoảng 13 ngày. Bây giờ chờ biển yên là ra khơi. Tết nhất cận kề rồi nên anh em ai cũng nôn nóng. Suốt năm qua, đi hơn 10 chuyến biển, các lao động cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, chuyến biển cuối năm thường trúng lớn nên dù cho cái Tết đã cận kề thuyền viên vẫn không ai bỏ về, quyết đi để kiếm “lộc” biển”.
Có mặt tại các cầu cảng của âu thuyền – sát cầu Mân Quang (nơi tàu ghé để lấy đá), có hàng chục tàu cá miền Trung vào để lấy đá, đi bơm dầu, nước ngọt. Các tàu khi đã chuẩn bị đủ, một số chạy ngược vào âu thuyền, số khác chạy qua phía cầu Mân Quang để chờ chuyến biển.
Ông Nguyễn Văn Trung (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), sau khi lấy đủ lượng đá, dầu… cho tàu vào đậu ở cầu cảng sát chợ đầu mối thủy sản. Ngồi nhìn tiết trời lạnh giá, ông Trung hy vọng: “Những ngày gần đây, biển động liên tục, ra khơi cũng sợ. Hy vọng trời sẽ êm đẹp để cho tàu ra khơi, cận Tết sẽ trở về đất liền”. Theo ông Trung, mọi năm, trời yên biển lặng, chuyến biển cuối năm luôn có thu nhập khá, mỗi thuyền viên cũng kiếm được gần chục triệu đồng.
Trong khi đó, ngư dân Đỗ Quốc Tiến (42 tuổi, chủ tàu cá ĐNa 41517 TS) cho biết: “Biển năm ni làm ăn khó khăn hơn so với mọi năm. Chủ yếu do thời tiết diễn biến thất thường, phần thì số tàu thuyền nước ngoài hay vào ngư trường của ta hoạt động nhiều gây ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Tuy nhiên, anh em vẫn kiên quyết bám biển để làm kinh tế, bảo vệ chủ quyền”.
Sau chuyến biển dài ngày từ Hoàng Sa trở về, thuyền trưởng Tiến cùng các thuyền viên chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đá, nước ngọt để ra khơi chuyến cuối năm. “Dầu giảm là một lợi thế cho ngư dân. Bởi mỗi chuyến ra khơi, phí tổn cho dầu là nhiều nhất. Vì vậy, chuyến biển này mong muốn sẽ có lợi nhuận, để cho các thuyền viên có cái Tết sum vầy hơn, có động lực tiếp tục bám biển, bảo vệ ngư trường trong năm mới”, anh Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, cuối năm cũng là thời điểm hết sức nhạy cảm, tàu bè nước ngoài lợi dụng để xâm phạm chủ quyền, thậm chí cản trở hoạt động làm ăn của ngư dân ta. Vì vậy, theo ông Trần Văn Lĩnh, Quyền chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, lực lượng chấp pháp Việt Nam cần phải sát cánh để ngư dân yên tâm bám biển trong những ngày cận Tết.
Trong khi đó, Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố luôn chỉ đạo các trạm thông tin liên lạc với ngư dân 24/24 giờ để nắm thông tin, hướng dẫn, động viên ngư dân yên tâm bám biển, đồng thời sẵn sàng có những hỗ trợ cần thiết khi ngư dân yêu cầu.