T2, 06/07/2020 12:06

Đêm giao thừa đón tôm từ biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Với những người làm đầm đón nước, đón nguồn giống tự nhiên, đêm 30 Tết luôn đầy khắc khoải mong chờ trứng tôm. Đặc biệt, những ngư dân miền Trung, đêm giao thừa không ngủ trong sóng nước đại dương có thể mang lại thu nhập bằng cả tháng trời nhờ những chú tôm hùm nhí.

Dạo chơi dưới đáy đại dương

Thật lạ, năm nào mưa gió bão bùng nhiều, cuộc sống khốn đốn thì năm đó tôm hùm giống về nhiều. Ngư dân ở các xã trong huyện Bình Sơn Quảng Ngãi thường đi lặn tôm con ở các điểm gành. Đêm giao thừa ngậm dây hơi rồi phóng xuống đáy biển đi bộ tìm tôm con ở độ sâu 15 đến 20 mét. Mỗi lần như thế chừng 1 – 2 giờ đồng hồ thì lên thuyền nghỉ, có người giỏi hơn thì đi đến 3 – 4 giờ. Vừa “thong thả” dạo chơi vừa căng mắt nhìn những con tôm hùm nhỏ như đầu đũa, thậm chí như cây tăm đang đu trên gành đá, dùng que khều nhẹ ra rồi thò tay nắm râu, bỏ tôm vào vỏ chai nước đeo bên hông. Không tinh mắt thì chịu, nhìn đâu cũng chỉ thấy san hô, tôm hùm con rất nhỏ trong veo như nước, chỉ cần động nhẹ là đủ để chui ngay vào kẽ đá. Nghề lặn bắt tôm hùm giống trong đêm vô cùng nguy hiểm nhưng cũng đầy lãng mạn. Với nhiều ngư dân, họ “phẩy tay” không thích trang bị lưới mành đánh đèn dụ tôm, dù nếu trúng đàn tôm có thể được luôn cả ngàn con (Mỗi con trên dưới 200 ngàn đồng). Lặn bắt từng con tôm như một cuộc săn kỳ thú, nhất là vào những ngày đầu năm mới, “như đi hái lộc dưới đáy biển vậy, không chỉ dựa vào tài nghệ mà còn phải có cái duyên” – Ngư dân Dương Văn Long ở xã Châu Bình huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nói.

đêm giao thừa đón tôm vào biển

Từ Quảng Ngãi nghề bắt tôm hùm giống cũng lan ra đến Quảng Nam. Ngược vào phía Nam, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, mỗi dịp Tết đến là các làng chài biết nghề bắt tôm hùm giống lại lao xao ra biển. Một số ngư dân thì thầm với nhau đã thấy tôm hùm giống xuất hiện cả ở vùng đảo Cồn Cỏ, ngược nữa ra Bắc đến tận vùng vịnh Nghi Sơn (Thanh Hóa). Cho đến hôm nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn bất lực trong việc thực hiện sản xuất giống trong môi trường nhân tạo cho giống tôm này. Nghề nuôi vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống từ thiên nhiên. Đó là cái khó, nhưng cũng là cái “may” cho nghề săn tôm hùm nhí, cho những cuộc ra khơi ngày Tết.

 

Đón nước mới, đón tôm vào đầm

Một ngày giáp Tết cách đây đúng 15 năm, tôi gặp một nhóm chủ đầm tôm ở Nghĩa Hưng, Nam Định hẹn nhau đêm Giao thừa cùng mở cống lấy nước. Quả thực không để ý lắm, chỉ nghĩ đơn giản đưa nước vào “lấy may” ngày đầu năm như phong tục lấy nước mới mà hầu hết các dân tộc đều có. Một lần khác nghe mấy bác nói chuyện mẻ nước năm ấy năm nọ nhiều lộc, nhiều tôm, hỏi lại mới biết một “bí mật” khá thú vị: Con nước đêm giao thừa luôn có nhiều trứng tôm nhất trong các con nước trong năm. Ông Nguyễn Đức Báu, một lão ngư dân ở xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cho biết: “Người được nhiều được ít cũng là cái duyên, nhưng hầu hết dân làm đầm đều biết con nước độc đáo đêm giao thừa để sẵn sàng mở cống đón nước mới vào đầm nuôi. Bây giờ mọi người đã thả bổ sung giống vào đầm nuôi quảng canh, nhưng tôm tự nhiên vào đầm theo con nước triều vẫn luôn cực kỳ quý, chắc ăn nhất vì giống tự nhiên bao giờ cũng khỏe, từ thời điểm lấy nước đến lúc có thể thả tôm giống, nguồn giống tự nhiên này có khi đã cho nửa vụ tôm rồi, hay lắm”. Ông Báu còn cho biết năm nào gió to sóng lớn, đỉnh triều cao thì trứng tôm nhiều hơn. Nguồn tôm giống này sinh sản từ ngay những vùng biển phát hiện ra nó hay đến với chúng ta từ đại dương, cũng đều là trân quý. Nhưng liệu đã có sự nghiên cứu nào về chuyện này đủ “dày” để có thể chủ động khai thác hợp lý và bảo vệ.

Đức Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!