Qua 5 năm triển khai, Đề án 52 đã cơ bản làm thay đổi tình hình dân số tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đây là động lực giúp địa phương tiếp tục triển khai trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Cùng vào cuộc
Xác định dân số là mặt trận chính ảnh hưởng đến đời sống mọi mặt và các hoạt động xã hội, động lực phát triển chung, trong năm 2015, Trung tâm Dân số huyện Hải Lăng đã thường xuyên biên soạn tài liệu tuyên truyền 1 tháng/bài gửi về cho ban Dân số các xã, thị trấn để tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của các xã. Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền với nhiều hình thức: treo băng rôn, khẩu hiệu tại địa điểm triển khai chiến dịch; cung cấp các tài liệu tuyên truyền (tranh ảnh, tờ rơi); tư vấn trực tiếp cho đối tượng. Đồng thời, phối hợp với Đài Phát thanh huyện chỉ đạo Trạm Truyền thanh của các xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng trước và trong thời gian xảy ra chiến dịch, huy động đối tượng đến tham gia, nhằm cung cấp thông tin cần thiết đến tận người dân.
Đi biển vẫn là nguồn thu nhập chính của các ngư dân xã Hải An – Ảnh: CTV
Trung tâm còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tuyên truyền, vận động phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đến khám, điều trị và thực hiện KHHGĐ. Ban Dân số các xã đã chỉ đạo cán bộ dân số, đội ngũ cộng tác viên tư vấn trực tiếp cho các đối tượng tại điểm cung cấp dịch vụ và vận động đối tượng tại hộ gia đình. Xác định nam giới và trưởng tộc có vai trò quan trọng trong công tác dân số, Trung tâm đã tăng cường công tác tuyên truyền cho đối tượng là nam giới, ưu tiên những người trong tuổi sinh đẻ. Trong năm 2015, chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ 2 đợt tại các xã đề án kiểm soát dân số vùng biển đã cung cấp các biện pháp tránh thai cho 1.716/1642 người, đạt 104,5% kế hoạch.
Cần kinh phí hoạt động
Trong năm 2015, kinh phí thuộc Đề án 52 bị cắt giảm nên Hải Lăng gặp khó khăn trong cách tổ chức, triển khai thực hiện chiến dịch. Cùng đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong lĩnh vực chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Công tác tư vấn, tuyên truyền vận động còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng, phong phú, đội ngũ cộng tác viên một số xã chưa thực sự “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Mặt khác, Ban Dân số một số xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo; chủ yếu giao cho Trạm Y tế chủ động trong việc triển khai, thực hiện chiến dịch. Trong khi, trang thiết bị truyền thông bị hỏng nhiều, dẫn tới thiếu phương tiện truyền thông phục vụ công tác truyền thông giáo dục tại cơ sở, cán bộ dân số chưa có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động, công tác tham mưu phối hợp còn nhiều hạn chế.
Bà Trần Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hải Lăng cho biết, địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án, do đặc thù là huyện biển. Tại các xã Hải Thiện, Hải Xuân, Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương, Hải An, Hải Khê, Đề án gặp rào cản do kinh phí hạn hẹp, nhận thức chung của người dân còn hạn chế, do phải lao động dài ngày trên biển. Một số xã, ngư dân chưa từng được biết đến các dịch vụ dân số.
Do đó, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại các xã vùng biển còn cao; tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai khá thấp.
Để khắc phục những khó khăn này, năm 2016, Trung tâm DS – KHHGĐ đề nghị Chi cục DS – KHHGĐ Quảng Trị hỗ trợ trang thiết bị truyền thông để các xã chủ động trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ thêm kinh phí truyền thông, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền vận động, tham mưu, lập kế hoạch hoạt động cho cán bộ dân số và cộng tác viên. Mong muốn của đội ngũ cộng tác viên dân số và cán bộ dân số địa phương là tiếp tục được hỗ trợ chế độ làm việc, trang thiết bị phương tiện để có điều kiện hoạt động mọi mặt đạt hiệu quả.
>> Theo đánh giá chung, các biện pháp tránh thai năm 2015 tại huyện Hải Lăng đạt kết quả khá cao; có một số biện pháp vượt kế hoạch, như đặt vòng (424/403 ca, đạt 105,2%), thuốc tiêm (45/30 ca, đạt 150%). Một số xã thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng đạt kết quả cao (như Hải An, Hải Khê). |