Qua việc triển khai các hình thức tuyên truyền về công tác dân số, hoạt động dân số tại Cà Mau đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, góp phần đem lại hiệu quả thành công của Đề án 52.
Thông qua các Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba trở lên”, “Tiền hôn nhân”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình gắn với thực hiện công tác DS – KHHGĐ, chăm sóc SKSS”… ở xóm, ấp, cụm dân cư. Trong năm 2015, toàn tỉnh thành lập 158 câu lạc bộ dân số với gần 4.000 cặp vợ chồng hưởng ứng tham gia. Bằng việc phổ biến chủ trương, chính sách về dân số, lợi ích của việc thực hiện các BPTT, giãn khoảng cách giữa hai lần sinh 3 – 5 năm, nâng cao kiến thức về chăm sóc SKSS, cách chăm sóc và nuôi dạy con trẻ đã thu hút hội viên tham gia với số lượng lớn.
Bội đội Biên phòng tuyên truyền dân số cho ngư dân Cà Mau – Ảnh: CTV
Cùng đó, các địa phương tích cực triển khai tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông, lồng ghép với hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã vùng xa, vùng khó khăn, biển đảo; tuyên truyền trực quan, xây dựng chuyên trang, chuyên mục dân số tuyên truyền trên phương tiên phát thanh, truyền hình địa phương.
Năm 2016, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục duy trì các mô hình liên quan đến dân số, thông qua các Câu lạc bộ, mô hình tư vấn… nhằm tiếp tục nhân rộng việc tuyên truyền, hướng tới kiểm soát tình hình gia tăng dân số, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, chủ động kiểm soát chặt chẽ tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hướng đến tỷ số gia tăng không quá 0,3%/năm, hạn chế những hệ lụy do vấn đề mất cân bằng giới tính có thể xảy ra trong lương lai.