T2, 06/07/2020 12:09

Thanh Hóa: Cần bảo đảm sinh kế lâu dài cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Để đẩy mạnh phát triển du lịch thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã công bố quy hoạch và thực hiện dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác hải sản cũng như sinh kế của ngư dân trên địa bàn.

Quy hoạch gây bất lợi

Nhằm xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại, thân thiện và hấp dẫn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4294/QĐ-UBND ngày 26/10/2015, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương; Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 phê duyệt hồ sơ đề xuất Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn, sớm đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia. Theo quy hoạch, không bố trí bến thuyền để ngư dân đánh bắt gần bờ bằng thuyền, bè, mủng có công suất nhỏ.

Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh và khai thác thủy sản là nghề truyền thống lâu đời nên ngư dân Sầm Sơn vẫn sử dụng bè, mủng, tàu thuyền có công suất nhỏ (hiện nay tại thị xã Sầm Sơn có khoảng 705 phương tiện với hơn 10.000 nhân khẩu sống bằng nghề) để đánh bắt ven bờ. Phần lớn ngư dân thị xã Sầm Sơn không giấu được sự bức xúc, cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương quy hoạch lại không gian biển Sầm Sơn của tỉnh, bởi điều này là rất cần thiết. Tuy nhiên, để quy hoạch được bãi biển mà ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng nghìn con người là không thể chấp nhận được. Ngư dân chúng tôi không mong muốn gì hơn là được tỉnh quan tâm, dành lại cho bà con 500 m bờ biển để lấy nơi neo đậu thuyền mảng, tiếp tục làm nguồn sinh kế”.

ngư dân thanh hóa khai thác thủy sản gần bờ

Ngư dân Thanh Hóa có truyền thống khai thác thủy sản gần bờ – Ảnh: Hồng Đô

Trước sự việc trên, rất nhiều ngư dân của xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn đã tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh và thị xã Sầm Sơn khiếu kiện đòi giữ lại bãi tập kết thuyền, bè đánh cá của ngư dân.

 

Sau hỗ trợ ngư dân có yên tâm?

Trước thực trạng đó, ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án trên. Theo đó, nếu bà con cam kết phá bỏ bè, mủng thì sẽ được hỗ trợ với mức 70 triệu đồng/bè, 50 triệu đồng/mủng; đồng thời, hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống trong 6 tháng với mức tương đương 30 kg gạo tẻ/người/tháng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá có công suất từ 30 CV trở lên với mức hỗ trợ một lần sau đầu tư (tương đương với mức lãi suất hỗ trợ khi vay vốn ngân hàng) bằng 35% giá trị tàu; hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng với mức 7%/năm trên tổng số vốn vay trong thời hạn 5 năm (trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và các văn bản  hướng dẫn có liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa); Hỗ trợ tìm nghề mới cho các hộ gia đình giải tán bè, mủng với mức 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng; thưởng cho những người thực hiện trước 15/3/2016 với mức 10 triệu đồng một bè, mủng. Chính sách này cũng sẽ được thực hiện đối với những hộ ngư dân tự giác di chuyển bè, mủng ra khỏi vùng dự án đến địa điểm khác phù hợp như: Bãi biển Vinh Sơn (phường Trường Sơn); bãi biển xã Quảng Vinh, Quảng Hùng… thị xã Sầm Sơn.

Sau khi Quyết định được ban hành, người dân Sầm Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn về sinh kế. Bởi, với đặc thù kinh tế thuần ngư, không đất nông nghiệp, không ngành nghề phụ, việc phải di dời bến thuyền cách xa 10 km, xóa bỏ thuyền mảng có công suất dưới 20 CV sẽ gây ra những hệ lụy khó lường trong vấn đề tìm sinh nhai của người dân. Đó cũng là chia sẻ của ngư dân tại xã Quảng Cư (nơi có nhiều người theo nghề đánh bắt gần bờ nhất của thị xã Sầm Sơn), họ sẽ không nhận tiền đền bù, không muốn đổi nghề. Bởi lẽ, phần lớn họ đã nhiều tuổi, muốn kiếm việc khác cũng khó, lại thiếu vốn đóng tàu lớn vươn khơi và quan trọng là không có kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt xa bờ.

Trong buổi đối thoại với ngư dân Sầm Sơn, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, biển, bờ biển là của đất nước, của người dân, trong đó có Sầm Sơn. Tỉnh không giao và không được phép giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào.

Theo ông Chiến, trong quá trình triển khai dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, Thường trực Tỉnh ủy có chỉ đạo Thị ủy, UBND thị xã Sầm Sơn tìm bến đỗ mới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại bến mới, đảm bảo các yêu cầu cho ngư dân neo đậu thuyền, bè, mủng; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân phù hợp; tổ chức tuyên truyền, vận động, thống nhất với bà con ngư dân, khi đủ điều kiện cần thiết mới tổ chức chuyển sang bến mới. Cùng đó, ngư dân nào đồng ý với chủ trương, chính sách của tỉnh, thì nhận tiền và thực hiện các quy định đã ban hành. Bà con nào vì nhiều lý do khác nhau, mà chưa thông suốt với chủ trương, chính sách của tỉnh thì cứ làm việc bình thường như trước đây. 

>> Sau cuộc đối thoại với Tỉnh ủy Thanh Hóa, ngư dân Sầm Sơn đã tiếp tục ra khơi đánh bắt sau nhiều ngày “xa biển” với hy vọng được tiếp tục bám biển, làm giàu và bảo vệ Tổ quốc.

Hồng Đô

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!