Trong hàng chục năm qua, thủy sản Việt Nam đã vào được nhiều thị trường trên thế giới, thế nhưng, sản phẩm của Việt Nam luôn phải cạnh tranh rất gay gắt để trụ vững. Không phải sản phẩm của chúng ta không ngon, mà là an toàn thực phẩm, khi vấn đề kháng sinh đang nhức nhối.
Không còn lo thuế suất
Có thể nói, từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Việt Nam đã cho sinh sản được cá tra, basa, qua đó làm chủ được nguồn cung cấp giống, không còn phụ thuộc vào tự nhiên, ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu bước qua một diện mạo mới, thế giới có thêm mặt hàng fillet cá tra trong các siêu thị. Cũng chính nhờ có con cá tra mà lần đầu tiên, công chúng mới biết và làm quen với cụm từ “thuế bán phá giá”, nhờ con tôm mà chúng ta mới biết đến khái niệm “thuế chống trợ cấp”.
Thực tế, dù thế giới đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nhưng quốc gia nào cũng có những chính sách để bảo hộ cho sản xuất trong nước, dù đó là một nước nghèo ở châu Á, châu Phi hay cường quốc như Mỹ, Nhật… Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, thuế bán phá giá hay thuế chống trợ cấp thực chất là một hình thức của những nước như Mỹ đưa ra để bảo hộ cho sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, các loại thuế này không “giết chết” con cá tra, con tôm của Việt Nam mà còn giúp hai mặt hàng này được thế giới biết nhiều hơn. Bằng chứng, dù là nước đưa ra và đang áp dụng cho hai sản phẩm trên; nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ không giảm mà còn tăng lên. Cùng đó, trong tương lai, thuế không phải là rào cản đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đơn giản, trong hầu hết những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay trong các phiên đàm phán đã có nhiều ý kiến đưa ra rằng, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế để mở rộng thị trường, thị phần nhờ thuế suất giảm.
Sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu cần đảm bảo an toàn thực phẩm – Ảnh: Hoàng Vũ
Vậy, đâu là rào cản ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay? Đó chính là hàng rào kỹ thuật, là vấn đề an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh.
Mà lại vấp từ kháng sinh
Trong những năm qua, vấn đề kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm đã tốn không ít giấy mực của truyền thống trong nước và quốc tế. Khi hàng loạt sản phẩm nông sản của Việt Nam, trong đó có thủy sản bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh và bị từ chối tại không ít thị trường.
Cá tra Việt Nam từng bị “tạm ngưng nhập khẩu” vào Nga vì những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong khoảng thời gian đó, Bộ NN&PTNT phải vào cuộc quyết liệt. Cuối cùng, cá tra Việt Nam được xuất khẩu trở lại nhưng thiệt hại kinh tế từ vấn đề này không thể tính bằng “số hợp đồng” đã mất mà quan trọng hơn, uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam ở một khía cạnh nào đó đã bị ảnh hưởng ít nhiều.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương, Nga là thị trường không quá khó tính với cá tra Việt Nam vì không chỉ fillet cá tra màu trắng mà cả màu vàng (do người nuôi cho ăn nhiều bắp) nhiều thị trường khác từ chối mua, vẫn có thể bán được giá tại Nga. Có thể người tiêu dùng Nga dễ tính nhưng Chính phủ Nga không dễ tính chút nào nên mới có chuyện cá tra Việt Nam bị tạm ngưng nhập khẩu vào thị trường này do không đáp ứng được tiêu chí an toàn thực phẩm.
Đối với Nhật Bản, thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống và cũng là một trong ba thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam. Điều dễ thấy, từ nhiều năm nay, phía Nhật chẳng bao giờ làm căng với con tôm Việt Nam trong việc kiện tụng liên quan đến thuế chống trợ cấp như người Mỹ thích dùng để bảo vệ ngành đánh bắt tôm nội địa. Người Nhật dùng một vũ khí để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, chính là rào cản kỹ thuật, bằng việc đưa ra những quy định về hàm lượng kháng sinh có trong thủy sản, cụ thể là ở con tôm. Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), đối với thị trường Nhật, những lô hàng bị cảnh báo thường liên quan đến kháng sinh cấm sử dụng và kháng sinh hạn chế sử dụng.
Tuy nhiên, một điều khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cảm thấy “bị đối xử phân biệt” là phía Nhật đưa ra những tiêu chí về hàm lượng các chất kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng quá thấp, thấp hơn mức trung bình của Mỹ hay EU. “Tôi thấy, Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí hàm lượng các chất kháng sinh cấm thường căn cứ trên thiết bị phân tích, nghĩa là hôm nay họ quy định chất kháng sinh A phải có hàm lượng tối thiểu là một phần nghìn nhưng ngày mai trên thị trường có một thiết bị mới, phân tích được kháng sinh có hàm lượng thấp hơn, họ sẽ có xu hướng điều chỉnh theo”, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thuế quan không còn là rào cản, các quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam chỉ còn viện dẫn vào hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng sẽ ngày một nhiều hơn. Điều này, yêu cầu các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần minh bạch và chú trọng đến chất lượng sản phẩm khi đưa ra xuất khẩu.
>> Việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản đã dẫn tới nhiều hậu quả, nếu không thay đổi, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp trở ngại. Điều này còn ảnh hưởng lớn đến thương hiệu thủy sản Việt Nam và những đơn vị làm ăn chân chính. |