T2, 06/07/2020 12:10

Gấp rút bảo vệ rùa biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 14/3/2016, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Mục đích nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam.

chuyên trang có sự phối hợp của viện kinh tế và quy hoạch thủy sản

Hành động sớm

Theo kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, cần thiết phải cải tiến, ứng dụng các ngư cụ khai thác hải sản để bảo vệ rùa biển; 100% tàu câu cá ngừ sử dụng lưỡi câu vòng; thiết bị tránh rùa trong nghề lưới rê được thử nghiệm, ít nhất 3% số tàu lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa; 100% bãi đẻ tự nhiên của rùa được đầu tư bảo vệ. Cùng đó, 1 Vườn quốc gia (Vườn quốc gia Côn Đảo) trở thành thành viên Mạng lưới của khu bảo tồn rùa biển IOSEA; 2 Trạm cứu hộ rùa biển được thành lập và hoạt động hiệu quả tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Khánh Hòa; 100% cán bộ, nhân viên các khu bảo tồn biển, các Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển được tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển; 100% cộng đồng dân cư bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển; 100% thuyền trưởng các tàu làm nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây và câu cá ngừ được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ, bảo tồn rùa biển.

gấp rút bảo vệ rùa biển

Thả rùa biển về tự nhiên – Ảnh: Phan Thanh Cường

Giai đoạn 2020 – 2025, ít nhất 5% số tàu nghề lưới rê và 10% số tàu nghề lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa; 100% nơi sinh cư của rùa biển được bảo vệ; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn rùa biển phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học; Cơ sở dữ liệu về rùa biển được hoàn thiện, kết nối từ Tổng cục Thủy sản tới các Vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và các Chi cục Thủy sản địa phương.

 

Nhiệm vụ cụ thể

Để làm được điều này, cần phải giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển, như: định kỳ kiểm tra, xác định các điểm nóng về khai thác rùa biển có chủ ý, mua bán, vận chuyển và giết mổ rùa biển; Áp dụng kỹ thuật, cải tiến ngư cụ khai thác hải sản giảm thiểu tử vong cho rùa biển; Thiết lập các vùng cấm khai thác có thời hạn để bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sinh cư của rùa biển…

Cùng đó, bảo tồn nguyên trạng các bãi đẻ hiện tại của rùa biển, tập trung các khu vực: Bái Tử Long và Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh), Hải Lăng (Quảng Trị), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cam Lâm (Khánh Hòa), Hòn Khô – Hải Giang (Bình Định), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang). Bên cạnh đó, tiếp tục điều tra, khảo sát các bãi đẻ của rùa biển tại vùng ven biển Việt Nam, đặc biệt chú trọng các khu vực đảo xa bờ; Thiết lập và hướng dẫn thực hiện quản lý, bảo vệ nơi ấp trứng của rùa biển; Xây dựng mô hình điểm khu bảo tồn rùa biển, khu ấp trứng rùa biển theo tiêu chuẩn quốc tế tại Côn Đảo…

Đồng thời, tiến hành các hoạt động làm sạch bãi biển nhằm loại bỏ rác thải và các nguồn ô nhiễm, tạo điều kiện cho rùa biển lên đẻ và rùa con trở về biển. Từng bước phục hồi các nơi sinh cư của rùa biển tại các khu bảo tồn biển và khu vực lân cận, ưu tiên thực hiện tại các khu vực: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Ngoài ra, phối hợp với các cấp, ngành địa phương trong việc đề xuất đưa một số bãi biển có rùa lên đẻ trứng và đưa ra khỏi quy hoạch phát triển kinh tế hoạch lồng ghép với mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không được gây tác động trực tiếp lên nguyên trạng bãi biển đó bằng bất cứ hình thức nào…

>> Rùa biển có khả năng sinh sản lớn. Rùa cái có thể đẻ hàng trăm quả trứng trong một mùa sinh sản. Thế nhưng, theo ước tính trung bình, cứ 1.000 rùa con được sinh ra chỉ có 1 cá thể sống sót đến lúc trưởng thành do nhiều yếu tố bên ngoài. Rùa biển được bảo vệ theo tiêu chuẩn CITES.

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!