Để biết tường tận về nghề nuôi cá ngừ vây xanh, chúng tôi đã tới thăm mô hình nuôi tại Đại học Kinki – nơi khởi nguồn ý tưởng nuôi cá ngừ vây xanh từ những năm 1970.
Nuôi cá ngừ vây xanh
Trại nuôi tại Kinki là nơi đầu tiên trên thế giới nuôi cá ngừ vây xanh. Từ những năm 1970, nơi đây đã bắt đầu thu gom cá ngừ giống ngoài khơi quận Wakayama bằng lưới. Tuy nhiên, cá ngừ rất dễ bị tổn thương nên khá nhiều cá con bị chết ngay trong lưới khiến đoàn nghiên cứu thất bại liên tiếp. Tới năm 2012, cá bố mẹ mới cho sinh sản thành công và trại đã sản xuất được 70.000 – 80.000 cá giống. Các chuyên gia tại đây sử dụng công nghệ nuôi trọn vòng đời, gồm giai đoạn nuôi ấu trùng trong môi trường nhân tạo tới khi trưởng thành.
Hiện, năng suất cá ngừ giống và cá ngừ thương phẩm tại Kinki lần lượt đạt 50.000 – 100.000 con/năm và 80 – 100 tấn/năm. Cá bố mẹ được nuôi ít nhất 3 năm tới lúc đạt trọng lượng 80 kg với kích thước 1,5 m. Trại thu gom trứng cá ngừ đã thụ tinh trên bề mặt nước. Thông thường, một con cái có thể đẻ hàng triệu trứng, mỗi trứng có đường kính 1 mm. Trứng được ấp nở thành ấu trùng trong thời gian 32 giờ. Ấu trùng được nuôi trong bể trên đất liền đến khi đạt kích thước 6 – 7 cm và tiếp tục ương thành cá giống trong 40 ngày rồi mới đưa ra các lồng nuôi ngoài đại dương. Hệ thống nuôi tại Kinki trang bị 10 – 15 lồng hình tròn, đường kính 20 – 40 m, sâu 10 m.
Theo Giáo sư Yoshifumi Sawada, Giám đốc trại nuôi Kinki, lồng hình tròn tạo không gian rộng, thích hợp với đối tượng nuôi là cá ngừ vốn có tập tính bơi suốt ngày. Để giảm thiểu phí bảo trì và điện năng, toàn bộ cá giống 52 – 53 ngày tuổi sẽ được nuôi trong lồng chìm dưới mặt nước, tránh sáng và ngăn chặn va đập vào ban đêm do thị lực cá non kém phát triển và nhạy cảm với ánh sáng. Sau 3 tháng, cá đạt kích thước 30 cm, trọng lượng gần 300 g/con. Phải mất 2 năm cá mới dài 1 m và nặng 20 kg/con (kích cỡ chuẩn dành cho cá thương phẩm).
Bền vững và an toàn sinh học
Một trong những quan tâm hàng đầu của trại nuôi Kinki là phải đảm bảo nguồn thức ăn bền vững bằng đạm thực vật, thay vì sử dụng bột cá. Theo giáo sư Sawada, khô đậu, khô bắp và củ cải đường là những sản phẩm tiềm năng có thể thay bột cá. Trại nuôi cũng đang thực hiện các dự án “thức ăn xanh” nhằm tìm kiếm nguồn thức ăn bền vững hơn. Giáo sư Sawada chia sẻ: “Chúng tôi đã sản xuất được thức ăn viên cho ấu trùng và cá non, sử dụng bột cá đã qua xử lý enzime nhưng vẫn phải dùng cá tươi đông lạnh làm thức ăn nuôi cá thương phẩm dù loại cá này dễ khiến cá ngừ bị tăng động và khó kiểm soát”.
Mỗi cá ngừ tiêu tốn 10 – 15 kg cá loại 1 kg/con nên chi phí thức ăn khá tốn kém. Tại Kinki, cá ngừ được nuôi bằng chế độ ăn đặc biệt gồm bột cá, dầu cá, các loại vitaminvà khoáng chất đều đặn 2 lần/ngày, 6 ngày/tuần. Cá 2 tuổi được cho ăn bằng cá thu mackerel; đây là thức ăn tốt cho cá ngừ vây xanh vì giàu đạm và dầu mà chi phí ít tốn kém. Tuy nhiên, cá thu mackerel dùng làm thực phẩm cho người tiêu dùng tại Trung Đông ngày càng tăng cao nên giá loại cá này cũng tăng theo.
Cùng đó, các chuyên gia vẫn không ngừng nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bằng cách làm sạch bể buôi, duy trì mật độ thích hợp và chế độ ăn hợp lý cho cá. Trại nuôi Kinki cũng sử dụng vaccine để chống virus gây bệnh, và thường xuyên khử trùng nước biển trước khi đưa vào bể nuôi.
Thách thức
Trợ lý giáo sư Yasuo Agawa tại trại Kinki cho biết, cá ngừ vây xanh rất khó nuôi trong môi trường bị giam cầm, chúng khó sinh sản do người nuôi không dễ kiểm soát được ôxy và nhiệt độ của môi trường sống. Nếu nuôi nhốt, tỷ lệ cá cái tham gia sinh sản là 20% và khó có thể nuôi một nhóm cá chỉ gồm con đực hoặc một nhóm chỉ có con cái, nên nghiên cứu DNA trong quy trình nuôi những nhóm cá này vẫn đang trong quá trình thực hiện. Trại nuôi lấy mẫu máu cá ngừ lúc thu hoạch và lập bản đồ sợi toàn bộ DNA của từng con. Giáo sư Agawa tin rằng chẳng lâu nữa, họ có thể tách được những DNA tính trạng kháng bệnh, tăng trưởng và sinh sản tốt nhất.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại khác chính là tìm cách ngăn chặn tình trạng ấu trùng bị chết. Ấu trùng 1 – 4 ngày tuổi dễ chết nổi trên mặt nước do hệ thống sục khí hoặc chất lượng trứng. Trứng càng chất lượng, tỷ lệ chết càng thấp. Ấu trùng 3 – 7 ngày tuổi chết chìm vào ban đêm. Để chặn cá chết nổi, trại nuôi đã giảm hệ thống sục khí và chế tạo màng dầu trên bề mặt nước. Để giảm cá chết chìm, trại nuôi sử dụng hệ thống hớt dầu tự động. Tới nay, thách thức lớn nhất vẫn là làm cách nào để cân bằng giữa việc thêm và bớt dầu.
Hiện, Kinki đang làm việc với các quốc gia khác nhau để cùng cải tiến quy trình nuôi cá ngừ vây xanh và nhiều loại cá biển khác. Điển hình là dự án hợp tác với Panama và Hiệp hội Cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ nhằm phát triển nghề nuôi cá ngừ vây vàng ở Panama. Kinki đã chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những mô hình nuôi thử nghiệm tại Panama và Nhật Bản, cử sinh viên xuất sắc sang làm việc tại đây.
>> Kinki đã tích cực nâng cao nhận thức cho người dân Nhật Bản bằng cách truyền đi những thông điệp và hình ảnh về trại nuôi cá ngừ nhân tạo. Người Nhật sẽ ngày càng quan tâm hơn tới hoạt động này, và qua đó, khách hàng sử dụng cá ngừ nuôi sẽ ngày càng tăng cao. Cá ngừ vây xanh trong tự nhiên sẽ phục hồi – đó là hy vọng và mục đích hoạt động của những nhà nghiên cứu tại Kinki. |