Trao đổi với phóng viên Thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng (ảnh), Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 14 phát biểu những nghĩ suy, trăn trở, làm sao để phát triển Hội, bảo vệ quyền lợi hội viên, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phải đầu tư đồng bộ
Để đánh bắt xa bờ, ngư dân vẫn gặp nhiều khó khăn, ông có đề xuất giải pháp nào không?
Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách rất tốt nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân đánh bắt xa bờ, như Quyết định 289, Quyết định 48, gần đây nhất là Nghị định 67, 89. Những chủ trương lớn đó đang mang lại sự thay đổi, phát triển mạnh cho nghề cá nhân dân. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư đồng bộ, từ điều tra ngư trường, điều tra nguồn lợi, đến các trang thiết bị đánh bắt xa bờ, khiến giữa mong muốn và thực hiện vẫn còn khoảng cách. Mong muốn đóng tàu lớn, đóng tàu sắt, tàu composite; nhưng hậu cần ngành đóng tàu, hậu cần đánh bắt xa bờ, cảng cá, chợ cá… đều chưa phát triển kịp. Tín dụng phục vụ sản xuất cũng chưa tốt, phụ thuộc vào “đầu nậu”.
Ông nhấn mạnh đến việc đầu tư phải đồng bộ. Cụ thể là thế nào, thưa ông?
Để thực hiện đồng bộ thì từ Trung ương đến địa phương phải ngồi lại. Phải đầu tư có trọng điểm. Từ dự báo đến đào tạo nghề, đến phương tiện đánh bắt, hậu cần đánh bắt, đến công nghệ phân loại, chế biến… đều phải nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng. Đánh bắt nhiều mà chế biến không tốt thì hiệu quả giảm. Việc tổ chức lại sản xuất mới chỉ là tổ, đội, khiến giá cả bị chi phối. Nếu chưa tổ chức lại thì đời sống ngư dân chưa được bảo đảm, chủ quyền biển đảo chưa được bền vững.
Vấn đề nuôi trồng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Giống và thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài…?
Vấn đề nuôi trồng thì cũng như thế, tính tổ chức và tính đồng bộ chưa cao. Các mũi nhọn đang do doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ. Đây là tình trạng chung thời kỳ đầu, khi mà chúng ta vừa thiếu vốn, vừa thiếu kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay có thể nói ta đã bỏ qua mất vận hội, các doanh nghiệp nước ngoài đã kịp chiếm lĩnh thị trường. Điển hình là thức ăn cho con tôm, hiện chúng ta đang phải mua của doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến giá thành bị chi phối. Chúng tôi cũng đã thử đi tìm lời giải. Sản xuất thức ăn phải có bắp, đậu nành, những thứ này thì cũng đang phải nhập khẩu. Để giảm giá thành, phải có ưu đãi cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn. Ta phải tổ chức sản xuất, hoặc mua của một nước ở gần, thì đỡ phụ thuộc vào họ. Và để không bị ép giá, ta phải đoàn kết lại. Ta cứ nêu khẩu hiệu “Đoàn kết”, “Thành công”, nhưng thực sự đang sản xuất đơn lẻ, manh mún.
Như vậy sản xuất đơn lẻ, manh mún đang là “căn bệnh” khá nan giải của ngành thủy sản?
Có thể nói cả hai lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng đều phải tổ chức lại sản xuất, và liên kết với nhau. Ngay trong xuất khẩu, ta cũng phải liên kết. Hiện ta chưa có sự đồng lòng nên giá cả cứ bị tụt xuống, dẫn đến thu mua giảm, trong khi thức ăn chưa hề giảm, chỉ có đứng yên hoặc tiến lên! Muốn tổ chức lại, riêng một ngành thủy sản không giải quyết được, cần sự vào cuộc của cả Ngân hàng, Hải quan.
Giữ vững chủ quyền biển, đảo
Thời gian qua, nhiều ngư dân Việt Nam bị o ép, cản trở, thậm chí bị tấn công ngay trên vùng lãnh hải, vùng biển đặc quyền kinh tế của đất nước. Hội Nghề cá Việt Nam đã, đang và sẽ có những hành động cụ thể gì để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân?
Lãnh đạo Hội Nghề cá chúng tôi thật sự phẫn nộ trước những hành vi trái pháp luật và trái đạo lý của một số tàu, thuyền Trung Quốc. Khi xảy ra những trường hợp ngư dân bị áp chế, Hội Nghề cá Việt Nam đều kịp thời lên tiếng kịch liệt phản đối. Bên cạnh đó, các tỉnh hội, huyện hội cũng kịp thời tổ chức hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại.
Nguy cơ này chưa hề giảm, chúng ta phải tiếp tục cương quyết bảo vệ ngư dân, thưa ông?
Để giảm bớt những vụ khiêu khích và gây thiệt hại, Hội Nghề cá vận động ngư dân tổ chức đánh bắt trên biển phải có đoàn, có đội. Tuy nhiên, với những hành động ngang ngược, phi luật pháp, phi nhân đạo, bà con cần đến sự hỗ trợ, bảo vệ của Kiểm ngư, Cảnh sát Biển. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh với phía Trung Quốc. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần tăng cường hiện diện trên biển. Hội Nghề cá Việt Nam cũng mới có văn bản đề nghị Nhà nước phải có lực lượng mạnh hơn. Phải tăng cường tàu lớn, tàu sắt cho bà con. Phải đẩy mạnh đóng tàu hiện đại, tổ chức lại sản xuất, có cả đào tạo lại con người. Khi đó cùng với Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Hải quân rộng khắp, bà con ngư dân sẽ là một lực lượng góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để đời sống ngư dân tốt hơn…
Là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội, ông có thể cho biết cử tri mong đợi ở ông điều gì, nếu ông trúng cử?
Tôi được bà con ngư dân, các hội thành viên giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội. Tôi thực sự cảm thấy rất vinh dự. Tuy nhiên có trúng cử hay không thì phải do các cử tri quyết định.
Vâng, kết quả sẽ đến sau cuộc bầu cử ngày 22/5 sắp tới. Nếu trở thành Đại biểu Quốc hội, ông sẽ có những hoạt động gì để đáp ứng sự mong đợi của cử tri, thưa ông?
Nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội, tôi nguyện dốc hết tâm hết sức để phát triển nghề cá, bảo vệ quyền lợi cho hội viên, ngư dân. Tôi sẽ tham gia hoạt động lập pháp, với mong muốn sao cho các chính sách đối với ngư dân, ngư nghiệp được hoàn thiện hơn. Không chỉ là tăng trưởng trên những con số thống kê, mà cái đích cuối cùng là ngư dân phải có cuộc sống tốt hơn, dựa trên nghề nghiệp của mình. Dân giàu thì nước mạnh, biển đảo mới được giữ vững. Muốn vậy, tôi xác định phải đi sâu vào thực tiễn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó mới có thể đề xuất các chính sách cụ thể hơn, khả thi hơn, giúp cho cuộc sống của ngư dân có những biến chuyển thiết thực.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Hội Nghề cá Việt Nam hiện đã có trên 32 hội thành viên, với khoảng 300.000 hội viên. Các tỉnh hội trải dài từ Bắc đến Nam, bao gồm những người làm nghề cá nội địa cũng như trên biển. Được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến các tỉnh hội, Hội đã và đang là một sợi dây liên kết các ngư dân và doanh nghiệp thủy sản, là một trong những chỗ dựa vững chắc cho hoạt động của ngư dân cả nước. |