T2, 06/07/2020 12:13

Ngư dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Ông cha ta đã đúc rút, đất nước Việt Nam là “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, khẳng định vai trò không thể thiếu của yếu tố biển. Thiên nhiên và đất nước đã giao phó cho dân tộc ta trọng trách: phải phát triển hiệu quả và gìn giữ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, lực lượng ngư dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Khai thác và bảo vệ chủ quyền

Biển Đông, trong đó gần 30% là biển Việt Nam, có nhiều tôm cá và đa dạng sinh học cấp toàn cầu. Tuy nhiên, cũng như các vùng biển và đại dương khác, chúng ta đang chứng kiến sự mất dần các loài sinh vật biển quý giá vốn một thời là niềm tự hào của các quốc gia trong khu vực biển này. Các nhà khoa học khẳng định, thế giới đã mất đi 50% trữ lượng hải sản tự nhiên do khai thác cạn kiệt và 30% số loài bị đe dọa tuyệt chủng do khai thác quá mức. Trữ lượng hải sản khu vực quần đảo Trường Sa và phía tây Biển Đông giảm khoảng 16% so trước năm 2010.

Đặc biệt, từ tháng 4/2014, Trung Quốc đã phá hủy nhiều nghìn ha hệ sinh thái rạn san hô (mất hàng nghìn năm mới tạo nên), thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo các “đảo nhân tạo” trên các bãi cạn (shoal), đá (reef) họ đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với diện tích lấn biển, bồi đắp gần 1.500 ha và số tiền thiệt hại ước tính khoảng 450 triệu USD một năm. Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn như hiện nay thì thiệt hại còn tiếp tục tăng.

Các hành vi khai thác quá mức và hủy diệt nói trên không chỉ làm thay đổi cấu trúc, chức năng tự nhiên vốn có và các giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái tiêu biểu cho một xứ sở nhiệt đới giàu tiềm năng, mà còn “cắt đứt” mối liên kết sinh thái giữa các hệ sinh thái như vậy với phần còn lại của Biển Đông. Điều này gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Riêng trong vùng biển gần bờ (30 m độ sâu trở vào) ở nước ta, áp lực khai thác và mật độ tàu khai thác thủy sản trên rất cao và thời gian khai thác gần như quanh năm. Các phương thức và công cụ khai thác lạc hậu, mang tính tận thu, hủy diệt nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản còn khá phổ biến. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của nó còn chịu tác động bất lợi từ các hoạt động kinh tế của con người ở vùng ven biển, như đô thị hóa, khu công nghiệp, khai khoáng. Thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang hiện hữu, cực đoan hơn và tác động khốc liệt hơn (bao gồm cả xâm nhập mặn và hạn hán) đối với cơ sở nguồn lợi, nghề cá và ngư dân.

ngư dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc

Ngư dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo – Ảnh: Xuân Trường

Thời gian qua, ngành thủy sản đã đóng góp đáng kể cho xuất khẩu của đất nước, chủ yếu từ thủy sản khai thác trên biển và nuôi trồng ở ven biển, trong các eo vũng ven bờ. Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,56 triệu tấn; trong đó, khai thác 3,03 triệu tấn, nuôi trồng 3,53 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 6,72 tỷ USD. Mặc dù, nguồn lợi thủy sản là tài nguyên tái tạo, song không phải là vô tận nếu khai thác không đi đôi với bảo tồn, bảo vệ và phát triển. Cho nên, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam đã và đang đứng trước những thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn.

 

Nghề cá có trách nhiệm

Có thể nói, không có nghề cá trách nhiệm (responsible fisheries), không duy trì được nguồn lợi thủy sản và không bảo vệ được môi trường sống của chúng sẽ không có nghề cá bền vững ở nước ta, ngư dân vẫn tiếp tục nghèo khó. Giải quyết thành công vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm của cả phía Nhà nước và ngư dân, cả sự vào cuộc hệ thống chính trị và ngư dân sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc với quyết tâm xây dựng cho được một nghề cá bền vững, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. 

Ngư dân Việt Nam là một lực lượng đông đảo, có dũng khí, dám mạo hiểm, bám biển hành nghề trong điều kiện biển luôn nghiệt ngã với họ. Gần 1 triệu ngư dân trực tiếp làm nghề đánh bắt và nuôi thủy sản với khoảng 130.000 tàu đánh cá biển, trong đó, 30.558 tàu đánh cá xa bờ. Hàng ngày, có khoảng 10.000 tàu thuyền đánh cá hoạt động khắp các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam (trong đó có 2 ngư trường truyền thống từ cổ xưa của tổ tiên ta là Hoàng Sa và Trường Sa). Đây là lực lượng không thể thiếu đối với sự hiện diện dân sự và thực hiện “chủ quyền dân sự” trên các vùng biển và các đảo của Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của Biển Đông.

Ngư dân vẫn phải vất vả mưu sinh hàng ngày do nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, hiệu quả đánh bắt thủy sản ở đây rất thấp. Còn tàu đánh cá của ngư dân ta ra xa bờ đánh bắt hợp pháp trên vùng biển truyền thống bao đời cha ông, thường bị các “tàu lạ” từ phía Trung Quốc đâm hỏng hoặc bắt giữ vì Bắc Kinh ngang nhiên cho rằng đó là hoạt động đánh cá bất hợp pháp. Trong khi đó, chính Trung Quốc lại cho hàng trăm tàu đánh cá của họ tràn xuống các vùng biển của các nước khác đánh bắt bất hợp pháp, khi bị bắt giữ thì bất hợp tác.

Để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất và bám biển dài ngày hơn, cần tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống luật pháp và chính sách ngành thủy sản, bao gồm việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003. Theo đó, cần phải làm rõ vị trí pháp lý của ngư dân, có cơ chế, chính sách và chế độ đặc thù đối với ngư dân đánh cá xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Hơn lúc nào hết ngư dân ta hãy xiết chặt đội ngũ, thực sự làm chủ vùng biển của Tổ quốc, trước hết làm chủ các nguồn vốn tự nhiên biển quý giá đang ngày càng cạn kiệt, đừng để “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nhà nước mạnh dạn phân quyền cho các tổ chức nhân dân tham gia bảo tồn thiên nhiên biển và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển đã thiết lập; kiên quyết thực hiện tốt đánh bắt có trách nhiệm để sớm phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, tạo cơ hội bám biển quê hương kết hợp gìn giữ chủ quyền biển đảo.

Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa và sớm hội nhập kinh tế quốc tế, bước đầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nghề cá; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo, giải quyết việc làm cho hơn 4,5 triệu lao động. Tuy nhiên, nghề cá nhỏ vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu chung và tư duy “làm ăn nhỏ” vẫn ảnh hưởng trong hoạt động của nghề cá lớn (nghề cá thương mại). Đến nay, các chính sách của ngành vẫn gộp cả nghề cá nhỏ và nghề cá thương mại, trong khi đây lại là hai đối tượng cần sự điều chỉnh khác nhau.

Thời gian qua, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Nhờ đó đã tạo điều kiện căn bản và quan trọng giúp ngư dân vươn khơi xa, hoạt động rộng khắp trên các vùng biển chủ quyền của đất nước. Để tăng cường hiện diện của ngư dân trên biển và khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta, đập tan âm mưu đen tối của chiến lược bành trướng và cường quyền nước lớn trên Biển Đông, bên cạnh đóng tàu to, hiện đại cần chỉnh đốn lại đội hình ngư dân ra biển nhằm làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

>> Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định thủy sản là một trong 4 ngành kinh biển then chốt, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh biển đảo. Để phát triển bền vững nghề cá, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để khắc phục và xử lý các khó khăn, thách thức.


TS. Nguyễn Việt Thắng

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

            Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản

            Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!