T2, 06/07/2020 12:14

Phát triển nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp, hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển khai thác thủy sản, sản lượng tăng nhanh qua các năm. Cùng với việc phát triển của tàu thuyền, số lượng lao động khai thác hải sản cũng tăng liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn thiếu hụt so với nhu cầu thực tế, nhất là lao động có tay nghề.

Thiếu sức hút

Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2020 Việt Nam còn 110.000 tàu, trong đó tàu khai thác xa bờ khoảng từ 28.000 đến 30.000 tàu. Đến nay mục tiêu của Chính phủ về quy hoạch số lượng tàu thuyền hoàn toàn đáp ứng được, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tàu cá của nước ta là 113.000 tàu, tàu cá khai thác xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên khoảng 29.000 tàu. Sản lượng khai thác thủy sản tăng nhanh qua các năm từ 0,7 triệu tấn năm 1990 đến năm 2015 đã đạt 2,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm cho trên 2 triệu người; trong đó có khoảng trên 700.000 người lao động trực tiếp trên các tàu khai thác.

Tuy nhiên, việc thiết hụt lao động nghề cá đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh ven biển, đặc biệt là các tỉnh có nghề cá mạnh như Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc tỉnh có ngành du lịch phát triển như Khánh Hòa, Đà Nẵng…

Việc cạnh tranh để thu hút lao động nghề cá giữa các chủ tàu cũng khá gay gắt, như: Các chủ tàu đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, giảm sức lao động của ngư dân; tạm ứng tiền cho người lao động trước khi xuống tàu; trả lương cao cho lao động có tay nghề, hoặc lôi kéo thuyền trưởng với mức lương ưu đãi… Trong khi, người lao động thường xuyên thay đổi tàu hoặc chuyển sang làm nghề khác, một số lượng lớn lao động nghề cá là lao động thời vụ, chủ yếu đến từ các vùng nông thôn đi làm nghề cá trong thời gian nông nhàn.

phát triển nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hiện đại

Lao động nghề cá đang thiếu hụt – Ảnh: Huy Hùng

Về trình độ tay nghề, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản, chỉ hơn 20% tốt nghiệp trung học cơ sở, gần 10% có trình độ trung học cơ sở và 0,65% có bằng ở các trường dạy nghề hoặc đại học. Trình độ học vấn thấp, chưa qua các lớp đào tạo nghề nên ngư dân gặp khó khăn trong việc tiếp thu kỹ thuật mới, trong khai thác và bảo quản sản phẩm, nhất là kỹ thuật khai thác xa bờ.

Những hạn chế và thách thức nêu trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, về chủ quan chính là nhận thức của người dân, các cấp, ngành về khai thác thủy sản là nghề cá nhân dân, để nghề cá phát triển tự phát, thiếu sự kiểm soát, thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt nghỉ ngơi, trang thiết bị khai thác và bảo quản trên tàu. Quan trọng nhất là thu nhập của người lao động trên tàu cá thấp so với sức lao động, không ổn định nên chưa thu hút được lao cộng có trình độ tay nghề cao.

 

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia nói chung và sự phát triển của nghề cá nói riêng. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, trong đó ngành thủy sản cơ cơ bản được công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và tổ chức hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu…; thì đào tạo, phát triển đội ngũ lao động trên các tàu cá cần được coi là nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công và phát triển của ngành.

Tuy nhiên, với thực trạng nghề cá như trên, việc đào tạo, phát triển nhân lực cho lao động trên tàu cá đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược tổng thể và dài hạn; nhưng đồng thời, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể, từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… để đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển thích hợp, phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế. Để làm tốt việc này, một số giải pháp cần thực hiện như sau:

– Ban hành và triển khai các chính sách để thúc đẩy nghề khai thác thủy sản phát triển hiệu quả, tăng thu nhập, lôi kéo nguồn lao động chất lượng cao;

– Tạo khung pháp lý cho yêu cầu về trình độ lao động nghề cá, trong đó có lộ trình quy định cụ thể cho các chức danh trên tàu. Trước mắt, tập trung quy định về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn cho hai chức danh chủ yếu là thuyền trưởng và máy trưởng. Kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm liên quan đến việc thực hiện các quy định về các chức danh này;

– Mở rộng các hình thức đào tạo như đào tạo đại học, trung cấp, trong đó ưu tiên hình thức đào tạo nghề; Hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường đào tạo lao động trên tàu cá, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, xóa bỏ tình trạng học chay như ở nhiều trường nghề hiện nay;

– Ban hành các chính sách về đào tạo lao động nghề cá, trong đó coi khai thác hải sản là một nghề đặc thù, cần có chính sách cử tuyển, miễn học phí, cấp học bổng… Trước mắt, cần triển khai hiệu quả các chính sách đã được ban hành như Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để đào tạo kỹ thuật mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm và vận hành tàu vỏ thép vật liệu mới…;

– Sử dụng hiệu quả đội ngũ thuyền viên đi xuất khẩu lao động trên tàu cá của các nước có nghề cá phát triển. Đây là nguồn nhân lực đã được đào tạo qua thực tiễn, tiếp cận với các công nghệ khai thác, bảo quản tiên tiến, khai thác vận hành tàu tại các vùng biển khác nhau;

– Hợp tác với các nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực nghề cá có trình độ cao để làm tiền đề cho việc đào tạo đội ngũ lao động nghề cá trong nước.

>> Từ năm 1990 đến 2015, số lượng lao động khai thác hải sản từ 270.600 người tăng lên gần 700.000 người hiện nay; bình quân mỗi năm tăng 23.000 người.

Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!