Hoạt động khai thác thủy sản trên biển của ngư dân gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trong những năm qua họ không đơn độc trên biển, ngoài sự trợ giúp của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, ngư dân còn được trang bị hệ thống thông tin liên lạc trên tàu và ở đất liền.
Đến nay, ông Võ Văn Lựu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) vẫn không quên chuyến biển cuối năm 2015. Khi đang khai thác thủy sản thì tàu 450CV của ông bị chết máy trên vùng biển Hoàng Sa, ông Lựu liền dùng hệ thống thông tin liên lạc gắn trên tàu gọi ngay về đất liền. Nhận được tin, Trạm trực đài Icom xác định vị trí tàu ông Bùi Ngọc Lành và Bùi Trung Kiên gần với tàu ông Lựu, nên liên hệ hai tàu này đến ứng cứu và kéo về cảng Sa Kỳ.
Trạm Icom thường xuyên liên lạc với ngư dân ngoài biển.
Cũng trong năm 2015, trong lúc kéo lưới ở vùng biển Hoàng Sa, anh Trần Quốc Đạt ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) bị một con cá to cắn gót chân, khiến anh Đạt chảy máu nhiều. Nhận thấy tình hình khẩn cấp, các thành viên trên tàu thông qua hệ thống thông tin liên lạc kết nối ngay cho người trực đài Icom ở địa phương. Chính quyền địa phương liên hệ bác sĩ hướng dẫn cầm máu, đồng thời liên hệ với Cảnh sát biển để đưa anh vào đất liền. “Nếu như trước kia không có hệ thống thông tin liên lạc có lẽ tôi đã không còn có cơ hội đi biển rồi”, anh Đạt nói.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, toàn tỉnh có hơn 5.500 tàu cá hoạt động trên biển, trong đó có khoảng 3.000 tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên khai thác thủy sản xa bờ. Ngoài việc thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, trên các tàu đánh bắt xa bờ đều được gắn hệ thống thông tin liên lạc máy bộ đàm tầm xa Icom và được Nhà nước đầu tư các hệ thống thông tin liên lạc khác phục vụ thông tin liên lạc giữa biển với đất liền. Nhờ vậy, khi ngư dân gặp nạn trên biển sẽ được ứng cứu kịp thời.
Hoạt động của ngư dân trên biển ngày càng được chú trọng, đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc. Theo Quyết định 48/CP của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã tiến hành triển khai chính sách hỗ trợ đặt máy thông tin liên lạc tầm xa VX – 1700 có tích hợp GPS cho 719 tàu cá. Máy có công suất phát 125W trong cự ly liên lạc trên 500 hải lý. Trên máy có tích hợp phần thu và phát tọa độ tàu trên biển, nên có thể truyền vị trí của tàu về bờ, đảm bảo cho việc liên lạc trong thời gian tàu cá hoạt động trên biển, phục vụ hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn tàu thuyền trên biển khi gặp nạn. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ tỉnh ta hơn 300 bộ thiết bị kết nối vệ tinh Movimar lắp đặt cho các tàu cá của ngư dân, và hơn 100 thiết bị thông tin liên lạc do các tổ chức hỗ trợ.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, tình hình biển đảo ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường, mỗi năm có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới không tuân theo quy luật, nên rất khó dự báo trước khiến ngư dân gặp nhiều rủi ro. Tính từ năm 2010 đến nay, có trên 146 tàu, với hơn 1.609 ngư dân trong tỉnh gặp nạn trên biển, riêng trong năm 2015 có 61 tàu với hơn 691 ngư dân gặp nạn. Nhưng nhờ có hệ thống thông tin liên lạc, các tàu thuyền bị nạn được ngành chức năng ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Ông Ngô Văn Hưng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: Nhờ hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, nên việc liên lạc với tàu cá ngư dân đang hoạt động trên biển rất thuận lợi. Qua đó, ngành chức năng trong tỉnh có thể thông tin liên lạc xuyên suốt, kịp thời về tình hình thời tiết và ngư trường đánh bắt đến với ngư dân.