Đề án 52 tại Hoài Nhơn, Bình Định: Nan giải kinh phí hoạt động

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những địa phương triển khai hiệu quả Đề án 52, huyện Hoài Nhơn được coi là điểm sáng, qua đó đã đem lại những kết quả tích cực, đổi thay nhận thức của người dân.

Tuyên truyền sâu rộng

Thời gian qua, Trung tâm Dân số huyện Hoài Nhơn đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai hàng loạt các chương trình, chiến dịch, thông qua các buổi tư vấn, truyền thông lồng ghép… cho các đối tượng. Trong giai đoạn 2011 – 2015, địa phương đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép tại các xã có mức sinh cao và chiến dịch tuyên truyền lưu động tại 6 xã ven biển với hàng trăm buổi truyền thông, tư vấn; cung cấp 4.600 bao cao su cho người đi biển dài ngày; khám và tư vấn cho 4.074 phụ nữ mang thai…

đề án 52 tại hoài nhơn, bình định nan giải kinh phí hoạt động

Cộng tác viên dân số tuyên truyền với ngư dân đi biển – Ảnh: CTV

Cùng đó, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện Hoài Nhơn quán triệt đến các ngành, đoàn thể phối hợp cùng Trung tâm Dân số huyện tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền sâu rộng các chủ trương về công tác DS – KHHGĐ. Công tác phối hợp giữa tổ chức hội và cán bộ dân số được duy trì tốt thông qua các tổ chức đặc thù, như câu lạc bộ/tổ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ/tổ gia đình hạnh phúc. Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Trưởng ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện cho biết, các kế hoạch, báo cáo sơ kết, tổng kết đều nêu rõ định hướng kế hoạch, đánh giá kết quả và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, ngành, đoàn thể liên quan trong việc phối hợp thực hiện công tác DS – KHHGĐ.

Song song đó, Đoàn Thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong quá trình mở rộng kênh thông tin về công tác DS – KHHGĐ. Các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn huyện đều đưa chương trình giáo dục dân số, giới tính, SKSS vào sinh hoạt ngoại khóa với các hình thức sân khấu hóa, diễn đàn thanh niên, học sinh với DS – KHHGĐ, SKSS vị thành niên… Không chỉ vậy, công tác dân số còn có sự tham gia tích cực và hiệu quả của Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đài Truyền thanh…

 

Cầm chừng chờ kinh phí

Mặc dù, kết quả thực hiện về công tác DS – KHHGĐ qua các năm đáp ứng yêu cầu đề ra nhưng trong quá trình thực hiện, địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đặc thù nghề nghiệp chủ yếu các xã thuộc Đề án 52 là đánh bắt hải sản trên biển, phần lớn nam giới phải sống trên biển nhiều hơn trên đất liền; Tâm lý, tập quán của người dân vùng biển còn nặng về tư tưởng sinh nhiều con, sinh con trai để đi biển… đã gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động, tiếp cận và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Không chỉ vậy, trang thiết bị truyền thông dùng để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động như loa cầm tay… không sử dụng được nên ảnh hưởng đến hoạt động tuyên truyền. Kinh phí truyền thông quá ít, không thể tổ chức các hoạt động bề nổi để thu hút các đối tượng tham gia.

Hiện, vấn đề kinh phí đang là khó khăn cản trở hoạt động diễn ra tại địa phương. Từ đầu năm đến nay, do chưa được cấp kinh phí hoạt động nên Đề án chỉ đảm bảo các hoạt động cơ bản, không thể đổi mới và mở rộng thêm hoạt động, một cán bộ của Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hoài Nhơn cho biết.

Địa phương mong muốn có kinh phí duy trì các hoạt động và triển khai nhiều chiến dịch, từ đó, nhân rộng các mô hình, giúp hoàn thành cơ bản mục tiêu so với các năm trước. Khi có kinh phí, sẽ triển khai thí điểm các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệp “Mô hình cung cấp dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ và cung cấp bao cao su, thuốc tránh thai cho những người làm việc trên biển trước khi xuất bến đi biển dài ngày, khi cập bờ tại các âu thuyền, cảng cá”. Cùng đó, Đề án tiếp tục triển khai hoạt động nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo và ven biển, gắn với mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” và Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động, chú trọng kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên dân số.

 >> Ông Phạm Xuân Hoàng, Phòng DS – KHHGĐ (Chi cục DS – KHHGĐ Bình Định) cho biết, năm 2016, kinh phí cho Đề án 52 chưa được triển khai, mọi hoạt động càng ngừng trệ. Địa phương chỉ duy trì lồng ghép các chương trình dân số vào nội dung hoạt động của các tổ chức khác nên hiệu quả không được như ý. 

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!