(Thủy sản Việt Nam) – Chiều 17/1/2012, tại Tổng cục Thủy sản đã diễn ra lễ ký văn kiện dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy” giữa đại diện Bộ NN&PTNT là Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Vũ Văn Tám và bà Yurico Shoji, đại diện tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, bà Yurico Shoji đánh giá: Nguồn lợi hải sản góp phần quan trọng vào việc tạo công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và cung cấp nguồn đạm động vật cho người dân Việt Nam, cũng như cộng đồng khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Mặc dù vậy, nguồn lợi hải sản đang bị cạn kiệt bởi nhiều lý do, bao gồm việc khai thác quá mức, không quản lý được khai thác ngẫu nhiên, những sản phẩm vứt bỏ trên biển cũng như tác động tiêu cực của nghề lưới kéo đáy.
Sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên bao gồm cá, rùa biển, động vật biển, san hô và các hệ động – thực vật đáy. Việc theo dõi, giám sát hoạt động đánh bắt nhóm sản phẩm này hiện nay còn rất yếu và không được quản lý tốt, trong khi, chúng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển.
Hiện nay, xu hướng khai thác các nhóm cá con (cá non) và các loài cá có kích thước nhỏ để làm thực phẩm cho con người hoặc cho nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng. Đây là một vấn đề phức tạp đối với nguồn lợi và đa dạng sinh học cần được giải quyết, cần có sự tham gia hỗn hợp giữa các chính sách, kỹ thuật và hỗ trợ đối với cộng đồng.
Dự án này quan trọng bởi vì nó đóng góp cho việc sử dụng bền vững nguồn lợi, sức khỏe hệ sinh thái trong rạn san hô và biển khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam thông qua việc giảm sản lượng khai thác ngẫu nhiên, sản lượng vứt bỏ trên biển và tác động do nghề lưới kéo đem lại. Đặc biệt, nhiệm vụ của dự án là tập trung đạt được:
– Nghề lưới kéo đáy có trách nhiệm nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản bền vững và sức khỏe sinh thái biển trong vùng tam giác rạn san hô và khu vực Đông Nam Á (Mục tiêu môi trường); – Sự tham gia hiệu quả của các bên chính phủ, ngư dân, cải thiện quản lý nghề lưới kéo đáy và các thực hành tốt sẽ hỗ trợ sinh kế bền vững.
Bà Yurico Shoji cũng bày tỏ: FAO rất hân hạnh được làm việc giám sát dự án, hỗ trợ, đảm bảo thực hiện thống nhất bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của FAO và tiếp cận hệ sinh thái đối với nghề cá cũng như các bên có liên quan.
Về phía Việt Nam, Tổng cục trưởng Vũ Văn Tám đã nhận định: Trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đi đôi với sự gia tăng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản, ngành thủy sản hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt, khu vực ven bờ. Phần lớn các vùng nước ven bờ đã bị khai thác quá mức khiến cho cuộc sống mưu sinh của cộng đồng cư dân ven biển sống dựa vào nghề cá gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là sự gia tăng đáng kể các hoạt động khai thác gây hủy diệt nguồn lợi ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cộng đồng ngư dân và sự phát triển kinh tế của ngành.
Vì vậy Việt Nam đánh giá cao việc triển khai dự án Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy do GEF tài trợ thông qua FAO với mục tiêu bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản và đa dạng sinh học vùng nước ven bờ theo hướng bền vững và đảm bảo sinh kế cho ngư dân. Tôi hy vọng rằng sau 4 năm triển khai, dự án sẽ giúp Tổng cục Thủy sản tăng cường thể chế chính sách quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy, đặc biệt là trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác quản lý nghề kéo đáy theo hướng bảo vệ nguồn lợi, không phát triển nghề lưới kéo đáy mới, đồng thời thúc đẩy các biện pháp, thực hành khai thác hải sản có trách nhiệm thông qua áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động đánh bắt hải sản và nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý ngành theo hướng bền vững.
Thứ trưởng Tổng cục trưởng Vũ Văn Tám cũng gửi lời cảm ơn chân thành vì sự giúp đỡ quý báu của FAO đã dành cho thủy sản Việt Nam trong những năm qua và hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ được tăng cường hơn nữa trong những năm tới.
Phương Linh