Việc Công ty Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là thủ phạm gây ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung đã giải tỏa phần nào những lo lắng của ngư dân; tuy nhiên, điều mà họ cần và mong mỏi nhất là môi trường biển sạch và sinh kế lâu dài để đảm bảo cuộc sống thường ngày.
Đánh giá thiệt hại chính xác, công bằng
Sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nguồn lợi hải sản của 104 xã thuộc 21 huyện ven biển. Ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung, UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển để rà soát, kê khai, xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở đền bù, hỗ trợ người dân đã và đang được gấp rút tiến hành. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Tại Quảng Bình, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong sự cố ô nhiễm môi trường này, ước tính ban đầu tổng thiệt hại đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với bờ biển dài 116 km, ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế hơn 20.000 km2 nên thiệt hại về môi trường và nguồn lợi thủy sản hết sức to lớn; trong đó, môi trường sống của các loại thủy hải sản đã bị phá hủy, có một số loại thủy sản gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác giảm 40 – 60%. Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân của tỉnh, đặc biệt là ngành nông nghiệp và du lịch bị tác động rất lớn. Để đánh giá thiệt hại do sự cố này gây ra, các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện đánh giá thiệt hại theo nguyên tắc đảm bảo chính xác, đúng luật và công bằng cho người dân.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo đánh giá bước đầu, ước thiệt hại khoảng 135 tỷ đồng; số tàu thuyền bị ảnh hưởng là 2.939 chiếc với 6.212 hộ, 30.450 khẩu. Ngoài việc đánh bắt trên biển bị ngừng trệ, thì đã có 1.240 lồng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại với sản lượng 136.608 kg cá nuôi. Riêng về môi trường, thiệt hại về lâu dài cần có quá trình đánh giá của các nhà khoa học để có biện pháp khắc phục.
Đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Bình đang nằm bờ – Ảnh: Xuân Thi
Trả lại môi trường biển sạch
Ba tháng nay, những ngư dân ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi (thị xã Hà Tĩnh) chưa thể “trở lại” biển. Bởi, từ sau vụ cá chết hàng loạt, người tiêu dùng không mặn mà sử dụng hải sản từ biển. Mặc dù, số hải sản đánh bắt đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn. Vì thế mà không ít tàu thuyền đánh bắt ở ngư trường trung bờ ngày càng ít ra khơi. Ngư dân Chu Văn Yên (thôn Hải Phong 2) cho biết: “Trước đây, mỗi chuyến ra khơi khoảng 3 – 5 ngày, tàu của tôi cũng thu được bình quân 30 – 35 triệu đồng, có chuyến thu gần 70 triệu đồng. Nhưng mấy tháng nay, thủy sản đánh bắt ở ngư trường trung bờ rất ít, đã thế khi cập bến, thương lái chỉ thu mua bằng một nửa giá so với trước”.
Ông Nguyễn Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương mong muốn các cơ quan chức năng, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các tác động về môi trường trong sự cố này để có những biện pháp khắc phục, sớm trả lại môi trường biển, ngư trường sạch cho ngư dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, thông tin chính xác để người dân thực sự yên tâm với các sản phẩm hải sản xa bờ.
Tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND 4 tỉnh ở miền Trung đã triển khai các phương án hỗ trợ ngư dân. Cụ thể, tăng thời gian hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng từ 1,5 tháng lên tối đa 6 tháng, bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là diêm dân; các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất để khắc phục khó khăn…
Đặc biệt, nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã nghiên cứu, xây dựng phương án, giải pháp chuyển đổi việc làm cho người dân vùng ven biển trước mắt và lâu dài để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Theo đó, tỉnh Quảng Trị sẽ thành lập các hợp tác xã, xây dựng các mô hình trang trại; phát triển trồng cây trên cát; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp nhân dân chuyển đổi nghề phù hợp. Ngư dân ở Hà Tĩnh sẽ được hỗ trợ, chuyển đổi từ nghề khai thác cá đáy ven bờ sang khai thác cá nổi, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, dịch vụ khác; xuất khẩu lao động. Tỉnh Quảng Bình cũng đang khẩn trương chuẩn bị phương án tổ chức đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt cho ngư dân khai thác ven bờ để làm thuyền viên cho các tàu khai thác xa bờ; chính sách tín dụng cho ngư dân như hỗ trợ một phần lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đối với người vay vốn đóng tàu đánh cá xa bờ, dịch vụ thủy sản, dịch vụ du lịch ven biển và nuôi trồng thủy sản, chính sách miễn, giảm thuế đối với kinh doanh dịch vụ du lịch biển…
Đặc biệt, vì biển đã là máu thịt của ngư dân nên để bảo đảm sinh kế lâu dài cho họ, thì giải pháp quan trọng nhất là giúp ngư dân chuyển từ đánh bắt vùng lộng sang vùng biển xa để không những khai thác tiềm năng mà còn góp phần đắc lực bảo vệ chủ quyền biển đảo trở thành phương án trọng tâm ở các địa phương.
>> Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, ngư dân thì phải sống nhờ biển, mưu sinh từ biển. Việc chuyển đổi hoàn toàn lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm. Các chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc (EPS), đưa điều dưỡng viên sang Nhật, Đức, Thái Lan sẽ được ưu tiên cho con em ngư dân các địa phương bị ảnh hưởng với chi phí thấp. |