Nhằm góp phần tăng thu nhập cho ngư dân ven biển, UBND huyện U Minh phối hợp với Trường Ðại học Cần Thơ khảo sát, lập phương án đưa vào khai thác 2 bãi sò huyết thuộc vùng biển Khánh Hội và Khánh Tiến. Nếu phương án được thực hiện thành công sẽ góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển các bãi sò huyết hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ven biển.
Theo kết quả khảo sát ban đầu của ngành chuyên môn, huyện U Minh có 2 bãi sò huyết tự nhiên. Bãi sò tại xã Khánh Tiến kéo dài từ cửa biển Hương Mai đến vàm Xẻo Lá, dài 8 km, diện tích 400 ha, mật độ sò bình quân khoảng 567 con/m2, trữ lượng ước tính gần 227 tấn/năm. Bãi sò tại xã Khánh Hội chiều dài khoảng 3 km, diện tích 150 ha. Ðây là bãi triều có đáy bùn pha cát, rất thuận lợi cho sò huyết sinh trưởng và phát triển, mật độ sò bình quân khoảng 324 con/m2, trữ lượng ước tính hơn 48 tấn/năm.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Mặc dù tiềm năng và trữ lượng sò rất cao, nhưng các ngư dân ven biển thuộc 2 xã Khánh Hội và Khánh Tiến chưa có biện pháp khai thác sò hiệu quả.
Ông Ðinh Công Hoàng, ngư dân hơn 20 năm hành nghề ở cửa biển Hương Mai, cho biết: “Tôi ở đây làm biển chủ yếu đi cào lưới cá, câu mực ven bờ. Vào mùa sò cũng có đi bắt nhưng chỉ là mò vài ký sò để ăn. Dân ở cửa biển này ít ai hành nghề khai thác sò. Cứ vào mỗi mùa sò huyết là dân các tỉnh khác như Kiên Giang, Bạc Liêu… đến đây khai thác rất đông. Ngoài khai thác sò thịt, họ còn khai thác sò huyết giống. Có người mỗi ngày thu được vài triệu đồng từ bán loại sò giống này”.
Khu vực bãi cạn thuộc vùng biển Khánh Tiến là 1 trong 2 nơi dự kiến được quy hoạch để khoanh nuôi bãi sò tại huyện U Minh.
Thấy ngư dân các tỉnh bạn khai thác sò hiệu quả, nhiều ngư dân U Minh cũng học hỏi khai thác theo. Tuy nhiên, được một thời gian đều bỏ nghề vì không mang lại hiệu quả. Ông Hoàng thông tin: “Không hiểu sao mình cũng làm giống họ nhưng không khai thác được. Nhiều lắm mỗi ngày chỉ được vài trăm ngàn đồng, không đủ bù chi phí nên đành ngậm ngùi bỏ nghề”.
Theo nhiều ngư dân cho biết, cứ đến mùa khai thác sò kéo dài từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau, bãi sò Khánh Tiến và Khánh Hội có hàng trăm phương tiện hoạt động ngày đêm để khai thác sò thịt lẫn sò giống và gần như không có sự kiểm soát của ngành chức năng. Ðiều đáng nói là các phương tiện khai thác này đa phần từ nơi khác đến. Trong khi những ngư dân ven biển tại 2 xã Khánh Hội và Khánh Tiến chỉ khai thác ngành nghề truyền thống, thu nhập bấp bênh.
Thành lập hợp tác xã nuôi sò huyết?
Trước thực trạng trên, việc triển khai khoanh nuôi các bãi sò thuộc huyện U Minh sẽ khơi dậy tiềm năng mà bấy lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Thạc sĩ Trần Hồng Ửng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: “Hiện tại, huyện đã ký kết với Trường Ðại học Cần Thơ chuẩn bị các bước cần thiết để thực hiện 2 bãi sò này. Mục tiêu chính là khai thác đi đôi với bảo vệ và quản lý nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Các dự thảo, phương án dự kiến đã được thông qua nhưng các thầy, cô thực hiện đề tài cần phải có vài chuyến khảo sát thực tế để có cách làm cụ thể”.
Theo dự thảo đề tài, phương án triển khai bãi sò gồm các bước: Theo dõi các điều kiện môi trường, mật độ, sinh trưởng và mùa vụ phân bố của sò huyết tại 2 xã Khánh Hội và Khánh Tiến. Sau đó sẽ tiến hành khoanh nuôi vùng bãi bồi, giao cho người dân quản lý để nuôi sò huyết thương phẩm. Cuối cùng là tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật và kinh nghiệm cho ngư dân nhân rộng và sử dụng bãi sò lâu dài.
Thạc sĩ Trần Hồng Ửng cho biết: “Ban đầu thực hiện trên cơ sở đồng quản lý giữa người dân và chính quyền địa phương. Nhà nước đầu tư vốn và người dân đóng góp một phần vốn đối ứng. Trong đó phương án được đưa ra là sẽ thành lập hợp tác xã để người dân khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác”.
Khi nghe thông tin đưa vào thực hiện bãi sò, ông Hoàng phấn khởi: “Nếu được, tôi sẽ tham gia làm. Vì hiện nay, cứ khai thác theo kiểu truyền thống khó ăn quá. Ði đánh bắt mà lúc có, lúc không, cuộc sống khó khăn lắm. Mình ở đây có bãi sò mà cứ thấy dân nơi khác đến khai thác thấy rất uổng”.
Phương án thực hiện 2 bãi sò tại xã Khánh Hội và Khánh Tiến là đề tài khoa học được nghiên cứu lần đầu tiên tại tỉnh Cà Mau. Chính vì vậy, quá trình để thực nghiệm hiện trường còn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian. Nếu 2 bãi sò này thực hiện thành công sẽ mở ra cơ hội mới, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và giảm áp lực khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ.