Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8/2016 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Phương pháp kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, trong quá trình kiểm tra cần chú ý những gì? Nguyễn Văn Hòa, Đầm Hà, Quảng Ninh

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Để theo dõi sức khỏe tôm nuôi, hàng ngày cần quan sát hoạt động của tôm. Nếu tôm nổi đầu, tấp mé là những dấu hiệu cho thấy tôm có thể thiếu ôxy, chất lượng nước xấu hoặc tôm đang nhiễm bệnh. Nếu hàm lượng ôxy bình thường, cần lấy mẫu tôm kiểm tra mầm bệnh nguy hiểm. Kiểm tra lượng thức ăn sử dụng, nếu thấy lượng thức ăn thừa nhiều là một trong những dấu hiệu tôm bị bệnh. Có thể sử dụng sàng ăn để quản lý giám sát lượng thức ăn hàng ngày, nhiều bệnh nguy hiểm như đốm trắng có thể phát hiện thông quá xác tôm trong sàng ăn. Hằng tuần kiểm tra tốc độ tăng trưởng, xác định tỷ lệ sống, đồng thời kiểm tra sức khỏe, dấu hiệu bệnh lý, đánh giá sức khỏe tôm thông qua lượng thức ăn trong ruột. Cụ thể, lượng thức ăn trong ruột nếu 70 – 80% số tôm có lượng thức ăn chiếm 50 – 80% chiều dài đường ruột là tôm khỏe. Tôm khỏe đường ruột tôm có màu vàng nhạt hoặc vàng sáng. Cùng đó, tôm khỏe có màu sắc sáng bóng, tự nhiên, phụ bộ hoàn chỉnh…

 

Hỏi: Nước ao nuôi tôm nhạt màu, xuất hiện bọt ở các góc ao, tôm ăn kém là tại sao và xin hỏi cách khắc phục? Trần Tấn Phát, Bình Đại, Bến Tre

Trả lời:

Theo mô tả, nước nhạt màu và có bọt ở góc ao là do biểu hiện của tảo tàn. Khi tảo tàn sẽ làm nước mất màu, hơi nhớt, xuất hiện các bọt khí khó tan ở góc ao. Tảo tàn sẽ làm biến đổi các chỉ số môi trường, có thể gây stress cho tôm, khiến tôm kém ăn. Khắc phục bằng cách tăng cường sử dụng các thiết bị sục khí, quạt nước để tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan trong ao. Đồng thời sử dụng một số chế phẩm vi sinh tạt xuống ao nuôi theo quy định để ổn định môi trường nước. Bổ sung men tiêu hóa, thuốc bổ gan vào thức ăn tôm để tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm và chuyển hóa thức ăn được tốt.

 

Hỏi: Ấu trùng tôm ở cuối giai đoạn Zoea 1 bỏ ăn, đường ruột đứt đoạn, một số con mất đuôi phân, chết rải rác. Xin cho hỏi nguyên nhân và cách phòng tránh? Nguyễn Văn Đăng, An Biên, Kiên Giang

Trả lời:

Theo mô tả thì ấu trùng tôm bị nhiễm chủng vi khuẩn Vibrio.spp (Hội chứng Zoea 2). Hội chứng Zoea 2 thường bắt đầu từ cuối giai đoạn Zoea 1. Biểu hiện của hội chứng là ấu trùng đang ăn bình thường đột ngột bỏ ăn, yếu dần và chết trong quá trình chuyển sang giai đoạn Zoea 2. Để hạn chế hội chứng này, trước và trong quá trình ương cần kiểm soát chặt ché nguồn lây nhiễm vi khuẩn Vibrio, xử lý kỹ ấu trùng từ giai đoạn Nauplii, xử lý kỹ nguồn nước, tảo tươi, trứng và ấu trùng artemia trước khi đưa vào hệ thống bể ương.

Ngay từ đầu giai đoạn ương nên sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì môi trường nước, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio. Trong quá trình ương sử dụng thức ăn chất lượng cao, đúng liều lượng, tránh du thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Bổ sung Vitamin C, vi sinh đường ruột, mem tiêu hóa giúp ấu trùng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!