Trước tình trạng nhiều dòng sông đã chết và nhiều dòng đang kêu cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa lập đoàn thanh tra, tập trung vào các cơ sở sản xuất công nghiệp xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên, tại 11 tỉnh thành trong cả nước. Trước đó, 6 tháng đầu năm, Tổng cục Môi trường đã ban hành 225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Sông Cẩm Đàn chảy qua huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã chết do Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Công ty Á Cường) đầu độc nhiều năm qua. Công ty Á Cường chuyên khai thác và chế biến tinh quặng đồng, bạc, đồng thành phẩm và than; được cấp phép, chứng nhận đầu tư tại 7 điểm mỏ đồng và 1 điểm mỏ than ở tỉnh Bắc Giang.
Mới đây, ngày 26/6/2016, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN&MT Bắc Giang dẫn đầu phối hợp với Phòng PC49 Công an tỉnh, UBND huyện Sơn Động, UBND xã Cẩm Đàn bắt quả tang Công ty xả trực tiếp nước thải không được xử lý ra sông Cẩm Đàn. Nước thải có rất nhiều hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép.
Trước đó, chiều 25/6/2016, UBND xã Cẩm Đàn với Phòng TN&MT huyện Sơn Động phát hiện hai cơ sở của Công ty Á Cường là Nhà máy tuyển và luyện đồng công suất 1.000 tấn/năm và Xưởng tuyển Á Cường xả nước thải trực tiếp ra sông Cẩm Đàn. Đáng chú ý, năm 2015, công ty này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh ký quyết định xử phạt 210 triệu đồng về hành vi xả chất thải độc ra sông Cẩm Đàn. Xưởng tuyển Á Cường tại thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn còn là cơ sở hoạt động không phép. Người dân hai bên sông Cẩm Đàn đã kêu cứu nhiều năm và bây giờ phải đau đớn chứng kiến dòng sông cơ bản bị giết chết.
Con sông Bưởi, đoạn chảy qua xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) sáng 4/5 cũng trở thành dòng sông chết, khi nước chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi thối bởi gần 20 tấn cá lồng bị chết suốt chiều dài 30 km. Nguyên nhân là 3 cơ sở sản xuất ở xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải chất độc, mà cuối tháng 5, Tổng cục Môi trường đã có quyết định xử phạt gần 4 tỷ đồng. Gồm Công ty TNHH MTV Hiếu Hưng hơn 1,9 tỷ đồng; Công ty CP Mía đường Hòa Bình hơn 1,78 tỷ đồng và cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng gần 195 triệu đồng.
Con sông Thương thơ mộng chảy qua thành phố Bắc Giang cũng đang bị nhiều cơ sở sản xuất đầu độc. Chỉ tính Công ty CP Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc, từ năm 2010 đến nay đã là chuỗi bị bắt qua tang xả độc. Ngày 6/10/2010, bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường của Bộ Công an phạt 150 triệu đồng. Ngày 20/12/2010, bị Thanh tra Bộ TN&MT phạt 54 triệu đồng. Tháng 1/2015, cá trên sông chết hàng loạt và Công ty bị UBND tỉnh Bắc Giang phạt 350 triệu đồng. Sau đó, liên tục các tháng 3, 4, 5/2015, Công ty bị lập biên bản về hành vi vi phạm bảo vệ môi trường.
Trong đợt thanh tra gần đây, từ 25/8 – 10/9, Đoàn thanh tra của Bộ TN&MT tập trung vào các doanh nghiệp lớn ở tỉnh Phú Thọ, và “đụng đâu sai đó”. Các doanh nghiệp lớn là Công ty CP Giấy Việt Trì, Công ty TNHH MTV Pangrim Neotex, Bia Sài Gòn – Hà Nội (tại KCN Trung Hà, huyện Tam Nông); Công ty Miwon Việt Nam (phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì); Hóa chất Việt Trì… Với Công ty CP Giấy Việt Trì và Công ty TNHH MTV Pangrim Neotex, kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng xử lý còn nhẹ nên chưa khắc phục được vi phạm.
Theo tài liệu của thanh tra, qua kiểm tra, phát hiện xả nước thải của Công ty CP Giấy Việt Trì ở phường Bến Gót (thành phố Việt Trì) vượt quy chuẩn nhiều lần. Trong đó, coliform vượt 7,7 lần, là có tính chất “đầu độc” nguồn nước. Tổng cục Môi trường xử phạt vi phạm hành chính hơn 374 triệu đồng và buộc Công ty đình chỉ ngay hành vi xả nước thải, buộc trả kinh phí trưng cầu giám định đo đạc mẫu nước thải vượt quy định.
Tại Công ty TNHH MTV Pangrim Neotex, Tổng cục Môi trường xử phạt hơn 456 triệu đồng về hành vi xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường. Công ty này cũng ở phường Bến Gót, có 3 nhà máy (sợi dệt, sợi và nhuộm). Nhà máy sợi dệt và sợi chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước thải; còn nhà máy nhuộm lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước thải nhưng lại cho thông số không ổn định. Mẫu nước thải sau hệ thống xử lý của nhà máy vượt nhiều lần quy chuẩn. Tổng cục Môi trường yêu cầu Công ty đình chỉ hành vi xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường; khẩn trương đầu tư cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước thải cũng như lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục một số thông số đặc trưng gồm lưu lượng nước thải, pH, COD… có camera giám sát và truyền số liệu về Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ.
Ở tỉnh Tuyên Quang, người dân nhiều năm nay đã rất bức xúc về tình trạng các cơ sở sản xuất đầu độc dòng sông Lô hiền hòa. Công ty CP Giấy An Hòa ở xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), mỗi ngày xả ra sông Lô khoảng 7.500 m3 nước. Người dân địa phương phản ánh, nước thải từ nhà máy giấy có màu vàng đục, nổi váng lờ nhờ và còn bọt trắng vón cục thành tảng, bồi lên cả một khúc sông cao hàng mét. Thanh tra Bộ TN&MT từng xử phạt 227 triệu đồng vì hành vi xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp; yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung… |