Những năm qua, thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra của Việt Nam luôn được chấp nhận và liên tiếp mở rộng thị phần tại những thị trường như Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Vì thế, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) có liệu lực từ 5/10/2016, xuất khẩu cá tra có cơ hội để mở rộng thị phần do thuế suất bằng 0%.
Cá tra là mặt hàng có nhiều lợi thế từ VN – EAEU Ảnh: Ngọc Trinh
Chú ý thị trường Nga
Theo đó, khoảng 59% mặt hàng được giảm thuế ngay trong ngày 5/10, thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đây chính là một trong những lợi thế cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản sang 4 quốc gia trong Liên minh Kinh tế Á – Âu gần 52 triệu USD, còn cả năm 2015 gần 85 triệu USD.
Theo VASEP, năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN. Những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga là gạo, rau quả, điện thoại di động, điện máy gia dụng, dệt may, giày dép và thủy sản. Và khi hiệp định thương mại giữa hai bên có hiệu lực, thủy sản của Việt Nam có tiềm năng để tăng trưởng trong thời gian tới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong số các mặt hàng nông nghiệp xuất sang Nga, thủy sản đứng vị trí thứ 2 với giá trị gần 61 triệu USD, bằng tổng giá trị của 4 mặt hàng là rau quả, hạt điều, chè và gạo.
Còn lại 4 quốc gia trong Liên minh kinh tế Á – Âu là Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgystan, thương mại giữa Việt Nam và mỗi nước vẫn còn khiêm tốn, bằng chứng là chưa có tên trong danh sách những quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Do đó, trong ngắn hạn, Nga sẽ là thị trường mang lại giá trị xuất khẩu thủy sản cho Việt Nam, còn những thị trường khác doanh nghiệp vẫn cần thời gian để xây dựng chứ không thể tăng xuất khẩu trong những tháng tới được.
Đối thủ cá minh thái
Một trong những mặt hàng thủy sản được người Nga tiêu thụ mạnh là cá minh thái. Theo VASEP, cá minh thái là một trong những đối thủ cạnh tranh với sản phẩm fillet cá tra của Việt Nam. Năm 2016, dự kiến tổng lượng cá minh thái đánh bắt của Nga vào khoảng 1,6 triệu tấn. Nguồn đánh bắt là từ biển Okhotsk và vùng biển Tây Bering. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, sản lượng cá minh thái đánh bắt mỗi năm phụ thuộc vào tự nhiên, sự biến động sản lượng. Vì thế, khi nguồn cung cá minh thái khan hiếm, người tiêu dùng Nga hay các nước trong Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ tìm một sản phẩm khác để thay thế. Lúc đó, sản phẩm fillet cá tra của Việt Nam có cơ hội xâm nhập sâu hơn về thị trường.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Nga là một trong những quốc gia có lệnh tạm ngưng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đến 2 lần. Mà nguyên nhân là do có quá nhiều lô hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tỷ lệ mạ băng trong fillet cá tra quá cao. Do đó, việc có FTA với quốc gia này, mặt hàng cá tra sẽ có cạnh tranh với sản phẩm nội địa như cá minh thái về giá. Đó là thông tin tích cực, nhưng không phải vì thế mà cá tra Việt Nam có thể “đè bẹp” cá minh thái của Nga nhờ lợi thế giá rẻ. Thực tế cho trong các hiệp định thương mại tự do giữa các nước đều có những quy định về hàng rào kỹ thuật, quyền tự vệ trước sản phẩm nhập khẩu.
>>Theo VASEP, trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, cá tra được hưởng lợi lớn nhất từ VN-EAEU FTA. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng gần 7% về sản lượng, đạt gần 1,2 tỷ USD. Với tình hình thị trường có nhiều tích cực, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ tăng khoảng 5 – 7% so kế hoạch 1,5 tỷ USD. |