Đến hẹn lại lên, khi mùa gió chướng về là mùa “săn” cá bông lau trên sông Hậu lại đến. Những ngày này, dân theo nghề “bà cậu” ở huyện Lai Vung, Lấp Vò, Thanh Bình cùng nhau bủa lưới đánh bắt cá bông lau… vui như hội.
Quà tặng của thiên nhiên
Vào mùa cá bông lau, trên sông Hậu, đoạn thuộc huyện Lấp Vò và huyện Lai Vung là nơi có nhiều người đánh bắt cá bông lau nhất. Qua lời rủ của một người bạn, một ngày gần cuối tháng Giêng, chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung gặp lão ngư Hai Giảng – Bùi Văn Giảng, người có gần 20 năm kinh nghiệm “săn” cá bông lau để tìm hiểu. Ông Hai Giảng cho biết, nghề săn cá bông lau ở huyện Lai Vung và Lấp Vò đã có trên 30 năm, nghề này do một số Việt Kiều (Campuchia) truyền lại cho người dân địa phương.
Nhiều người có thu nhập khá nhờ “săn” cá bông lau
Nhân con nước đang lớn vào buổi sáng, chúng tôi có dịp theo ghe của vợ chồng ông Hai Giảng ra sông Hậu để có dịp tận mắt thấy cảnh “săn” cá bông lau. Đến khúc sông chọn sẵn, vợ chồng ông Hai Giảng nhanh chóng thả tay lưới dài 400 m, dạo sâu gần 10 m để đánh bắt. Trong lúc chờ kéo lưới lên, ông Hai Giảng nói: “Cá bông lau là quà tặng của thiên nhiên. Vào mùa cá, dân theo nghề nếu đánh bắt trúng sẽ có thu nhập rất khá, có thể vài chục triệu đồng như chơi. Nghề này sống được lắm”.
Theo lời của ông Hai Giảng, mấy ngày qua do thời tiết bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới nên dân đánh bắt cá bông lau như ông dính cá không nhiều. Một ngày, ông Hai Giảng và nhóm bạn “săn” cá bông lau khoảng 10 người, chỉ dính 1-2 con cá bông lau, mỗi con nặng 5-7kg.
Ông Hai Giảng cho biết, người “săn” cá bông lau như chú muốn đánh bắt được cá phải chạy xuồng ra sông Hậu thả lưới lúc con nước lớn cho đến khi nước ròng mới về. Muốn bắt được nhiều cá phải đi vào dịp nước rong 14-15 hay 29-30 âm lịch – lúc nước chảy mạnh và đi đánh bắt vào ban đêm sẽ nhiều hơn ban ngày vì ghe, xuồng chạy ít, cá đi kiếm ăn nhiều.
Đoạn sông Hậu thuộc khu vực Vàm Cái Mít và Vàm Cái Dứa, huyện Lai Vung là nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau nên có rất nhiều người làm nghề “bà cậu” đến đánh bắt. Tại khúc các sông này, ngoài vợ chồng ông Hai Giảng còn có trên 20 xuồng lưới khác đến đánh bắt. Vì vậy, dân theo nghề phải tuân theo qui luật “nằm tài” – người đến trước thả trước, đến sau thả sau để đánh bắt cho trật tự. Có những “tay sát cá” tuy đến sau nhưng vẫn dính được nhiều bất chấp người thả lưới trước không dính cá.
Mùa cá bông lau năm rồi, vợ chồng ông Hai Giảng đánh bắt liên tục khoảng 30 ngày và kiếm được gần 20 triệu đồng, sắm sửa các vật dụng trong gia đình.
Sau gần 30 phút thả lưới, vợ chồng ông Hai Giảng kéo lưới lên. Tay lưới nhẹ tênh vì không có con cá bông lau nào mắc lưới. Lòng ông Hai Giảng cũng nhẹ tênh theo tay lưới. Thoáng chút u buồn, ông Hai Giảng nói. “Không được mẻ này ta bầy mẻ khác”. Đống lưới lại được vợ chồng lão ngư phủ thả xuống nước.
May mắn hơn, anh Bùi Văn Quang con chú ông Giảng dính được cá bông lau nặng 7kg, bán cho thương lái 110 ngàn đồng/kg anh kiến được gần 800 ngàn đồng.
Nghề cha truyền con nối
Vì có thu nhập hấp dẫn nên có khá nhiều người làm nghề “săn” cá bông lau theo kiểu “cha truyền con nối”. Tại xã Định Yên có chú Ngô Văn Tận (Tư Tận), chú Hai Thành, chú Tư Măng sống bằng nghề “săn” cá bông lau… Chú Tư Tận cho biết, gia đình chú đã ba đời theo nghề “săn” cá bông lau. Chú được cha mình truyền nghề, hiện nay lại truyền tiếp cho các con chú là các anh: Ngô Văn Gần (sinh năm 1983), Ngô Văn Tấn (sinh năm 1984).
Theo chú Tư Tận, muốn theo nghề “săn” cá bông lau rất dễ, ngoài kinh nghiệm học từ gia đình hoặc từ người khác, người theo nghề chỉ cần đầu tư chiếc xuồng máy nhỏ và tay lưới trị giá vài triệu đồng là có thể hành nghề sống được. Do dễ kiếm sống nên hiện có rất nhiều người theo nghề.
Tâm sự với chúng tôi, chú Tư Tận nói gia đình mình không có ruộng đất nhưng nhờ có nghề săn cá bông lau, kiếm được trên 30 triệu đồng mỗi mùa mà gia đình chú cất được nhà, mua sắm các tiện nghi trong gia đình.
Mùa cá bông lau trên sông Hậu năm nay đến muộn so với năm 2011 khoảng một tháng. Số lượng cá bông lau bắt được hiện nay ít hơn năm rồi. Tuy nhiên, nhiều người dân sống chuyên bằng nghề “bà cậu” này đang hy vọng một mùa cá bông lau bội thu như mọi năm.
P.Thuận
Theo Báo Đồng Tháp