Từ vấn nạn nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về, ngành nông nghiệp đang mạnh tay thực hiện những giải pháp nhằm lấy lại hình ảnh. Thế nhưng, còn vài điều băn khoăn trong quá trình triển khai.
Chế biến tôm xuất khẩu Ảnh: Huy Hùng
Với con tôm, nếu những năm trước sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam chỉ bị kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì năm nay, trong danh mục kiểm tra của các nước có thêm các loại kim loại nặng, độc tố sinh học.
Trước tiên là việc từ 5/9 đến hết năm nay, Hàn Quốc sẽ kiểm tra những lô hàng tôm nhập từ Việt Nam về chất kháng sinh Nitrofurans. Với Nhật Bản, nước này thường xuyên có thông báo kiểm tra 30% rồi nâng lên 100% lô hàng tôm của Việt Nam. Danh sách các chất bị cấm ngày càng có xu hướng tăng.
Còn tại EU, thị trường này đưa con tôm và thủy sản khác của Việt Nam vào danh mục kiểm tra kim loại nặng, đây là yếu tố kiểm tra bắt buộc tại thời điểm này. Ở châu Đại Dương và Australia, cũng thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng về các độc tố sinh học và vi sinh trong các sản phẩm thủy sản.
Với cá tra, Việt Nam cũng vấp nhiều chướng ngại vật, mà hầu hết đều là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Với con tôm, để giải quyết tình trạng này, ngành thủy sản Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp rất kịp thời, trong đó, biện pháp được cho là khả dụng hiện nay là mời đại diện nước nhập khẩu sang “mục sở thị”. Tuy nhiên, cách này chỉ được coi là những giải pháp chữa cháy khi sự cố đã xảy ra. Để thực hiện an toàn từ gốc và minh bạch ngay từ khâu đầu, trong Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, Bộ NN&PTNT chủ trương thực hiện triệt để. Cùng đó, để đảm bảo nghiêm minh trong quá trình triển khai, Bộ chủ trương mời đại diện của Tổ chức Thú y Thế giới và các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam cùng tham gia quá trình đánh giá và công nhận kết quả. Điều này vừa giúp các thị trường nhập khẩu yên tâm, vừa khiến các doanh nghiệp, cá nhân không thể lơ là trong quá trình sản xuất, mà còn giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện khác khâu kiểm tra cũng như hạn chế việc bị nhà nhập khẩu “soi” về chất lượng.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, liệu có nhất thiết cứ phải mời người nước ngoài đến đánh giá và công nhận? Tại sao không thể tự mình chứng minh. Bởi làm thế sẽ giúp giảm được kinh phí chi trả cho các đại diện này. Hơn nữa, quan trọng hơn, bản chất của sự việc vốn phải giải quyết gấp là nâng cao ý thức của những người tham gia. Khi mà bản thân họ muốn làm an toàn, làm sạch, làm minh bạch thì tự khắc sẽ thực hiện đến nơi đến chốn, còn không thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, giám sát thì thực hiện, không đâu lại vào đó. Tuy đã được cảnh báo nhiều, không chỉ đối với ngành thủy sản; nhưng có lẽ biện pháp răn đe chưa đủ nặng để có thể loại bỏ được “con sâu” trong nồi canh chung này.