Thấp thỏm với nguồn giống cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ khiến nhiều hộ nuôi tại khu vực ĐBSCL phấn khởi khi thả vụ mới. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn khiến hàng trăm hộ lo lắng.

Con giống kém chất lượng

Các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản cho biết, nhiều hợp đồng xuất khẩu cá tra đã được ký kết trong những ngày đầu năm với giá cả khá tốt. Nhờ đó, giá cá tra nguyên liệu tăng lên, đạt mức trên 26.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi có lãi và bắt đầu thả nuôi vụ mới khiến nhu cầu con giống tăng mạnh.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tính đến cuối năm 2011, toàn vùng ĐBSCL có trên 220 cơ sở sản xuất giống (cho sinh sản nhân tạo) và trên 2.000 ha diện tích ương nuôi từ cá bột lên cá giống. Sản lượng cá giống toàn vùng đạt xấp xỉ 2,4 tỷ con, tương đương khoảng 24 tỷ con cá bột.

Tuy nhiên, chất lượng cá giống đang giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả nuôi chưa cao. Theo TS Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II, tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 10%, bệnh xuất hiện nhiều hơn so với năm 2010. Nguyên nhân chính là do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm.

“Vấn đề nghiêm trọng hiện nay là hầu hết các cơ sở sinh sản nhân tạo cá bột đều sử dụng thuốc kích dục không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc trên cá bố mẹ, gây ảnh hưởng đến chất lượng cá bột, cá giống” – đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết.

Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… đảm bảo chất lượng cao và bán đúng giá là điều rất cần thiết.

 

Cần xã hội hóa sản xuất con giống

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ) nêu thực trạng là HTX của ông và nhiều hộ nuôi khác hiện vẫn phải mua giống trôi nổi của tư nhân tại vùng Hồng Ngự (Đồng Tháp). Người mua tự đánh giá chất lượng con giống qua mắt thường, chọn theo kinh nghiệm nên việc cá giống nhiễm mầm bệnh, phẩm chất kém… là điều khó tránh khỏi.

“Cần Thơ hiện không có trại giống nên tới mùa thả nuôi, nhu cầu tăng cao, các trại cá giống trôi nổi cũng không đáp ứng kịp. Nông dân phải lùng mua ở nhiều nơi khác, mặc kệ cá tốt cá xấu, vì lo lỡ thời gian thả cá” – ông Hải nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sản xuất cá giống là khâu yếu nhất hiện nay trong chuỗi sản xuất cá tra xuất khẩu. Bởi trên thực tế, để có cá chất lượng tốt cần phải có con giống chất lượng cao, đồng đều. Tuy nhiên, hiện khâu này rất ít DN có vốn, công nghệ đầu tư lớn mà chủ yếu vẫn do người dân tự làm với quy mô nhỏ lẻ. Do vậy, cần phải xã hội hóa ngành này để khuyến khích, thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước.

Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, biện pháp để nâng cao chất lượng con giống là tăng cường kiểm tra, kiểm dịch giống, những cơ sở không đảm bảo điều kiện thì phải kiên quyết xử lý. Đồng thời, cơ quan quản lý cần hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống cách đảm bảo chất lượng con giống cũng như tự công bố chất lượng của cơ sở.

Bên cạnh đó, để từng bước thay thế đàn cá tra bố mẹ kém chất lượng hiện nay tại vùng ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II về cơ bản đã hoàn thành dự án “Chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao”, tiến hành bàn giao 100.000 con cá bố mẹ hậu bị cho các địa phương. Một số tỉnh trọng điểm về sản xuất giống như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ cũng đã du nhập bố mẹ hậu bị cá tra hoang dã thiên nhiên từ Campuchia.

Trong năm 2012, Tổng cục Thủy sản đặt kế hoạch sản xuất 2,5 – 2,6 tỷ con giống cá tra các loại, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng trên diện tích 5.500 – 6.000 ha.

Ngọc Minh – Thuận Hải

Theo Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!