Bi kịch làng chài

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Những người vợ sau một đêm bỗng trở thành góa phụ. Nhiều đứa trẻ mãi mãi không bao giờ còn được gọi tiếng “cha ơi”. Những người đàn ông lực lưỡng trở thành phế nhân sau một chuyến biển bất trắc… Đó là những bi kịch thường thấy ở làng chài, cụm dân cư ven biển.

Bao đời nay vẫn thế, biển, có thể mang lại cho ngư dân rất nhiều sản vật nhưng đôi lúc cũng gieo rắc những kinh hoàng cho không ít gia đình. Đằng sau những tai nạn ấy, cả một kiếp người, một gia đình, một thế hệ phải chịu những mất mát đau thương. Vì thế, tiếng thở cứ kéo dài mãi ở những làng chài như không bao giờ dứt.

 

Biển “cướp” chồng

Chúng tôi đến làng chài Long Hải, ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu khi trời đã quá trưa. Nắng lấp lóa phía xa xa. Trên bãi cát dài tít tắp, nhiều tàu thuyền vẫn tấp nập cập cảng, thả cá xuống bến. Những chuyến biển như thế đã mang lại niềm vui cơm áo cho những ngư dân quanh vùng. Vậy nhưng, biển không chỉ mang đến niềm vui, tiếng cười và áo cơm mà còn lấy đi rất nhiều thứ của ngư dân.

 

Anh Tuân bị liệt sau tai nạn kinh hoàng

 

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Long Hải, những năm qua, hầu như đều có ngư dân mất tích khi đi biển, vì nhiều lý do khác nhau. Tai nạn ở đây thì nhiều nhưng chủ yếu là do bão tố, đắm tàu hay cháy nổ lúc hành nghề. Một phần nữa, nghề lặn biển cũng bị rủi ro cao như chuột rút, vướng lưới, ngộp thở… Điển hình, năm 2010 có một tai nạn tàu biển khủng khiếp cướp đi sinh mạng của 21 ngư dân, một nửa trong đó là ở làng chài Long Hải này”.

Tìm gặp chị Nguyễn Thị Hồng, vợ anh Toàn, một nạn nhân của tai nạn kinh hoàng năm 2010. Nhắc lại chuyện cũ, dù đã hơn một năm, chị Hồng vẫn bàng hoàng: “Chiều hôm đó đi, anh ấy còn nói sẽ cố gắng về sớm để lấy tiền sửa nhà, đón tết. Ai ngờ, chỉ khoảng hơn chục hôm sau thì tin dữ báo về. Chuyến đi định mệnh năm đó, anh mới 27 tuổi. Đau đớn hơn khi tôi biết, mình cũng đã mang giọt máu của anh ấy. Tính hết chuyến biển thì nói để hai vợ chồng xuống bệnh viện huyện siêu âm, thế mà”. Như chạm phải nỗi đau đã “ăn da non” sau gần một năm, quyệt nước mắt, vừa nhìn đứa con thơ tội nghiệp, chị tiếp: “Thằng cu Tôm này sinh ra đã không biết mặt cha. Không biết khi lớn lên, nó sẽ thế nào nữa. Cứ nghĩ đến nó mà tôi lại đau thắt lòng vì thương con, xót chồng”.

Cũng như hoàn cảnh chị Hồng, trong căn nhà nhỏ lợp phi bơ rô xi măng nằm chênh vênh gần bờ biển, bà Trần Thị Bốn (Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) dõi mắt ra xa thở dài: “Lúc đi, nó (anh Bùi Văn Vĩ, con trai bà) hẹn rằng sau chuyến biển này về sẽ dành tiền để hỏi vợ. Nhà có hai mẹ con nên nó không muốn tôi ở một mình khi đi biển cả tháng trời. Người con gái nó “giấm” là con bé Hân, xóm trên. Vậy mà đó lại là chuyến biển định mệnh chia cách âm dương hai ngả”.

 

Đeo đẳng nỗi đau

Không chỉ cướp đi sinh mạng con người, biển còn lấy đi sức khỏe, một phần xương thịt của những chàng trai biển ưu tú, để lại đằng sau những nỗi đau dai dẳng cho gia đình, con cái họ.

Cuối buổi hoàng hôn, trên bãi cát dài của cảng cá Phước Tỉnh, từ nhiều tháng này, người ta đã quen với hình ảnh hai chiếc nạng gỗ gim vào cát những vết sâu như nỗi đau tột cùng của anh Nguyễn Hữu Tuân (Phước Trung, Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhắc về việc thoát chết đến diệu kỳ của mình, anh Tuân ngậm ngùi: “Hôm đó, cũng như bao lần khác, tôi lặn xuống biển gỡ đụt cá lúc kéo lưới lên. Chuyện này là bình thường với ngư dân rồi. Vậy nhưng không hiểu sao mới xuống nước, toàn thân tôi lạnh cứng như bị điện giật rồi lịm đi không biết gì nữa. Sau mấy đêm miên man trên biển, lúc về bệnh viện huyện ở đây, các bác sĩ đã giành lại mạng sống của tôi nhưng đôi chân thì vĩnh viễn tật nguyền. Có lẽ, tôi bị một loài sứa biển có nọc độc tấn công”.

 

Cuộc sống của ngư dân vùng biển Long Hải vẫn còn rất nhiều khó khăn     Ảnh: Lê Bích

                  

Nhìn người đàn ông hơn 30 tuổi gương mặt cương nghị, vóc dáng lực lưỡng của ngư dân nhưng đôi chân teo tóp mà tôi không khỏi rùng mình vì những bị kịch của biển khơi mang lại. Nó tàn nhẫn và hãi hùng quá mức. Nó đến, giáng xuống đầu bất kỳ ai, những người con đã từng gắn bó với biển như ruột thịt.

Tâm sự về cuộc sống sau biến cố định mệnh ấy, anh Tuân nói: “Giờ đây, không đi biển được nên hàng ngày mình chống nạng ra cảng cá vá lưới thuê. Những ngày không có lưới thì lại ngồi nhặt và phân loại cá cho người ta. Công việc vất vả nhưng dù sao cũng được gắn bó với biển”. Anh còn bảo, tuy biển đã lấy đi một phần cơ thể nhưng anh không thể nào bỏ biển được, bởi với ngư dân ở đây, biển mãi mãi là bầu sữa ngọt lành, là niềm hi vọng và sinh kế từ nhiều đời nay rồi.

Cùng chung nghị lực vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo sau nỗi đau như anh Tuân là rất nhiều ngư dân khác. Biển có thể vô tình mang đến cho họ những nỗi đau nhưng cũng nhờ biển, nhiều người lại thấy mình mạnh mẽ hơn. Anh Bùi Văn Hà (Phước Tỉnh, Long Điền), một ngư dân làm nghề giã cào, tâm sự: “Cách đây 4 năm, trong một lần chạy thuyền chẳng may bị mắc lưới. Đang đêm, mấy anh em dừng tàu lại để lặn xuống gỡ. Tôi cũng xuống chẳng may bị sóng đánh bật ra mạn thuyền, bị chính chân vịt tàu mình hất sâu xuống biển. Lúc đó tưởng chết nhưng bằng ý chí, tôi cố gắng bơi lên. Đêm tối, lại thêm sóng lớn nên tôi bị dạt ra xa tàu, giữa biển khơi, tôi được một chú cá heo áp vô nổi lên mặt nước. Sáng hôm sau thì anh em nhìn thấy đưa lên tàu. Biết biển cứu mình, từ ấy, trước mỗi chuyến đi biển, tôi thường làm một cái lễ và cúng thần biển cũng như chư thần khác phù hộ”.

Tâm sự về những tai nạn của ngư dân đi biển, ông Phạm Tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tỉnh nói: “Trong xã, lao động nghề biển chiếm một nửa dân số nên tai nạn lao động cũng nhiều. Từ năm 2005 trở lại đây, có khoảng gần 30 người chết vì đi biển. Kinh hoàng nhất là năm 2010 có hơn 10 người. Còn những người bị tàn tật hay thương tích thì nhiều lắm. Cuộc sống của ngư dân vốn đã khó khăn trăm bề, nếu bị tai nạn lại càng khó khăn hơn vì địa phương không đủ kinh phí hỗ trợ cho gia đình họ suốt đời được. Thêm nữa, chẳng may bị tai nạn, nhiều chủ tàu thường chỉ bồi thường ít tiền cho gia đình rồi thôi chứ chưa có chế tài nào về việc người đi biển bị tại nạn. Mà các nguồn tài trợ của nhà nước cũng có hạn, không đáng kể so với mất mát mà ngư dân phải chịu”.

Biển cho những làng chài miếng cơm manh áo nhưng biển cũng đã gieo nên những giọt đắng cho nhiều phận người. Dù vậy, những người chịu cảnh mất mát, đau thương vì biển ở các làng chài vẫn không quỵ ngã, họ nỗ lực gượng dậy sau nỗi đau để làm lại, để yên lòng người chồng, người cha đã mãi mãi ra đi trong cuộc mưu sinh gian khổ giữa trùng khơi mênh mông bão tố…

>> Làng chài nào cũng vậy, luôn luôn có những tiếng thở dài dưới các mái nhà, nhưng không bao giờ họ bỏ biển, bởi đơn giản, với ngư dân, biển là máu thịt của mình.

Đại Trí

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!