Quản lý vật tư trong NTTS: Vẫn còn nhiều khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân mà còn tổn hại đến uy tín của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, ngăn chặn triệt để điều này vẫn đang là một bài toán khó. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Quý – Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định NTTS (ảnh).

 

Thông tư 04 và việc đưa 28 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thuốc thú y thủy sản có chứa các chất Cypermethrin và Deltamethrin của Bộ NN&PTNT vừa qua được coi là giải pháp kịp thời cho nuôi trồng thủy sản hiện nay, ý kiến của ông về vấn đề này?

Như chúng ta đã biết, từ giữa năm 2010 đến nay, NTTS Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tiêu biểu là hiện tượng tôm chết bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại lớn tại 7 tỉnh trên cả nước (3 tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận; 4 tỉnh ĐBSCL: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). Điều này đã ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất của người dân. Các kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu NTTS II bước đầu đã xác định các thuốc diệt giáp xác thuộc nhóm Pyrethroid (Cypermethrin, Deltamethrin) là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan tụy và gây chết hàng loạt tôm nuôi ở ĐBSCL.

Do vậy, Thông tư 04 của Bộ NN&PTNT được đánh giá là kịp thời và hoàn toàn phù hợp trong thời điểm ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước tình trạng môi trường NTTS bị ô nhiễm, các sản phẩm thủy sản có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép và đang bị thị trường các nước kiểm soát nghiêm ngặt.

 

Mặc dù Bộ đã có văn bản gửi các địa phương về danh mục các sản phẩm thuốc BVTV cấm dùng trong nuôi thủy sản, nhưng người dân vẫn sử dụng chung cho cả thủy sản và nông nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?

 

Thực hiện xét nghiệm tại Công ty Việt An      Ảnh: Phan Thanh Cường

 

 Do nhận thức của người nuôi thủy sản còn hạn chế, chỉ thấy được cái lợi trước mắt, chưa tính tới việc phát triển bền vững, sản xuất lại mang tính nhỏ lẻ nên công tác kiểm tra, giám sát cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Bộ NN&PTNT cần thống nhất, quy định chung một danh mục kháng sinh, hóa chất cấm cho các lĩnh vực. Đồng thời, đưa ra quy định cảnh báo và lưu ý khi sử dụng cho các lĩnh vực khác nhau, nhằm hạn chế tối thiểu việc sử dụng sai mục đích, tăng cường nâng cao nhận thức của người nuôi về tác hại của các hóa chất, kháng sinh cấm, hướng dẫn người nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng thời điểm, đúng mục đích, công dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo ATTP.

 

Vậy, công tác kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng trong NTTS trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản, chúng tôi cùng với Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Thanh tra Tổng cục, các Chi cục địa phương thành lập các đoàn kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm NTTS có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, thực hiện việc quản lý toàn diện từ con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, đặc biệt phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm vật tư dùng trong NTTS nhập khẩu. Trên cơ sở đó có chỉ đạo kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển bền vững.

Mặt khác, Nhà nước hàng năm cũng cần bổ sung nguồn kinh phí đặc thù  cho Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định NTTS của Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản ở các địa phương để thực hiện việc thu mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản đang lưu hành trên thị trường (bao gồm cả tại cơ sở nhập khẩu, các đại lý buôn bán, các cơ sở sản xuất). Để kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý các cơ sở vi phạm còn lưu hành những sản phẩm bị cấm dùng trong NTTS. Hàng năm, tiến hành rà soát, đánh giá các loại thuốc BVTV có ảnh hưởng đến nghề NTTS cần được đưa vào danh mục các chất cấm sử dụng trong NTTS.

 

Và theo ông, việc xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS có cần thiết không?

Đây là việc làm hết sức cần thiết và cần được triển khai ngay. Nhằm cảnh báo thường xuyên, giúp các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương nắm bắt được diễn biến về tình hình môi trường và dịch bệnh, để có những chỉ đạo kịp thời. Tổng cục Thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho xây dựng đề án xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh trên cả nước. Khi đề án này hoàn thành đi vào hoạt động thì công tác cảnh báo sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành thủy sản.

Trân trọng cảm ơn ông!   

>> Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định NTTS là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT, được thành lập từ năm 2010. Với lĩnh vực hoạt động chính là khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định chất lượng các giống thủy sản nuôi, thức ăn, nguyên liệu, chế phẩm sinh học, các chất xử lý cải tạo môi trường; Thực hiện kiểm tra chứng nhận điều kiện các cơ sở lưu giữ giống, sản xuất thức ăn. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm cũng thực hiện việc hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn về khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định NTTS. Trung tâm có trụ sở chính tại số 10 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội.                     

Nguyễn Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!