Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá vào Hoa Kỳ chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tuân thủ quy định mới của nước này.
Chế biến cá tra tại Công ty Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN
Ngày 10/7, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes (chủ yếu cá tra, ba sa) vào Hoa Kỳ chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ để tuân thủ quy định mới của nước này.
Cụ thể, văn bản này được gửi đi sau khi NAFIQAD nhận được công thư của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) thông qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Thông báo nêu rõ phía Hoa Kỳ sẽ áp dụng chính thức quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2/8/2017 thay vì 1/9/2017 như lộ trình đã thông báo trước đó.
Theo đó, tất cả các lô hàng cá bộ Silurformes nhập khẩu vào Mỹ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (i-house). Nhà nhập khẩu phải gửi đơn đăng ký kiểm tra theo mẫu cho FSIS trước khi lô hàng đến cửa khẩu.
Trong đơn đăng ký kiểm tra, nhà nhập khẩu phải ghi rõ tên Cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức nơi FSIS sẽ thực hiện kiểm tra lô hàng.
Trước sự thay đổi này từ phía Hoa Kỳ, NAFIQAD lưu ý các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này cần chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tuân thủ quy định nêu trên.
Đặc biệt, cần chú ý trong việc ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định của FSIS từ tên sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, thành phần, thông tin dinh dưỡng…
Nội dung kiểm tra của FSIS đối với các lô hàng nhập khẩu gồm: sự phù hợp của chứng thư kèm lô hàng, cảm quan, ghi nhãn, điều kiện bảo quản vệ sinh chung và lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh.
Riêng chỉ tiêu kiểm tra về dư lượng hóa chất, kháng sinh, FSIS thực hiện phương pháp kiểm nghiệm đa dư lượng với 89 chỉ tiêu chất kháng sinh, 108 chất nhóm thuốc bảo vệ thực vật, 17 kim loại và 4 chất nhóm thuốc nhuộm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hoa Kỳ là thị trường lớn tiềm năng của ngành cá tra xuất khẩu, tuy nhiên các tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính phòng vệ quá mức, vượt quá yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm.
Kèm theo đó là thuế chống bán phá giá cá tra còn cao nên trong thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tục gặp nhiều khó khăn.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 90,2 triệu USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu liên tục gặp khó đã khiến Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, còn Hoa Kỳ hiện đứng thứ 2. Trên thực tế chỉ còn vài doanh nghiệp bám trụ xuất khẩu ở thị trường này./.