Trong khi ngân hàng liên tục giục trả nợ, nhiều ngư dân tại Bình Định lại lâm vào cảnh “tiến thoái, lưỡng nan” khi tàu 67 hỏng hóc vẫn nằm bờ.
Tàu 67 hỏng hóc được Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đưa lên đà để sửa chữa. Ảnh: D.T
Tàu nằm bờ, nợ chực chờ ngư dân
Những ngày qua, ngư dân Lê Văn Thãi – chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn đang chạy đôn chạy đáo, yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng sửa chữa tàu.
Ông Thãi cho biết: “Ngân hàng liên tục thông báo nợ quá hạn nhưng tàu của chúng tôi vẫn phải nằm bờ, chờ nhà máy sửa chữa đến khi nào? Kiểu này, ngư dân không chết vì đói thì cũng phải vào “nhà đá” mà nằm. Bởi, nợ quá hạn nhiều quá thì buộc ngân hàng phải thu hồi, chúng tôi hết cách rồi”.
Tàu nằm bờ, ngư dân Lê Văn Thãi lo lắng đối mặt với số nợ ngân hàng. Ảnh: D.T
Theo ông Thãi, ngân hàng liên tục gửi thông báo nợ quá hạn buộc gia đình ông phải trả 498 triệu đồng. Đến 25.8 tới, tiền nợ gốc phải trả thêm cho ngân hàng 400 triệu đồng nữa nên gia đình chẳng biết phải xoay sở như thế nào với số nợ trên.
“Theo thông báo của Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì ngày 30.8 sẽ hoàn thành việc sửa chữa tàu nhưng với tiến độ này tôi nghĩ không kịp. Có lẽ đến năm 2018 thì tàu tôi mới có thể vươn khơi được. Nếu 30.8 này tàu không sửa xong thì chúng tôi sẽ trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu để lấy lại tiền trả nợ cho ngân hàng”- ông Thãi bức xúc nói.
Công ty TNHH MTV Nam Triệu đưa tàu lên đà sửa chữa. Ảnh: D.T
Trong khi đó, kinh tế gia đình ngư dân Nguyễn Công Quý – chủ tàu vỏ thép BĐ 99888 TS cũng rơi vào khủng hoảng khi tàu bị hư hỏng, không thể ra khơi đánh bắt cá. Ngư dân này liều mình “cắm” 3 sổ đỏ và nhiều phương tiện cơ giới… thế chấp để vay vốn đóng tàu từ ngân hàng. Thế nhưng, tàu nằm bờ đang trở thành nỗi lo, gánh nặng… cho cả gia đình.
“Giờ tàu không ra khơi được thì lấy gì trả nợ cho ngân hàng. Tôi đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết thời điểm, ngày giờ… cụ thể sửa chữa khắc phục để ngư dân có thể nắm. Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa, nếu qua ngày 30.8 tàu chưa khắc phục xong thì tôi sẽ trả tàu lại cho công ty”- ông Quý dứt khoát.
Sau sự cố tàu hỏng hóc, ngân hàng e ngại
Liên quan đến việc sửa chữa 20 tàu vỏ thép bị hư hỏng, Sở NNPTNT Bình Định cho biết, hiện nay 12/20 tàu đã được đưa về Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) để sửa chữa.
Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã đưa 7 tàu lên đà sửa chữa, hoàn thành việc sơn xong 1 tàu và đang tháo máy cũ, tiếp tục lắp máy mới và tiến hành sửa chữa thiết bị theo đúng cam kết. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng đưa lên đà 5 tàu để sửa chữa, đồng thời tiếp tục tiến hành lấy 10 mẫu thép đi kiểm tra chất lượng. Theo kế hoạch, dự kiến ngày 30.8 phải hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa tàu.
Về vấn đề không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc, Sở NNPTNT Bình Định đã làm việc với 5 chủ tàu cùng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để hai bên bàn phương án giải quyết. Kết quả, ngư dân và doanh nghiệp đã thống nhất phương án không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.
Sau khi kiểm tra, nếu những phần thép Trung Quốc không đạt cấp A thì phải thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A và Công ty sẽ trả tiền chênh lệch giá trị thép cho ngư dân. Số tiền này sẽ được chuyển cho ngân hàng để giảm nợ vốn vay cho chủ tàu.
Tàu nằm bờ vì hư hỏng, ngư dân Bình Định lại đang đối mặt với số nợ ngân hàng. Ảnh: D.T
Theo ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, địa phương này đã có 290 tàu được phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 nhưng hiện tại chỉ mới giải ngân 55 tàu.
“Các trường hợp tàu đã được duyệt vay vốn nhưng chưa được giải ngân có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, về phía ngân hàng họ bắt đầu e ngại. Lý do đưa ra là nếu có rủi ro, không thu hồi được nợ thì phía ngân hàng phải gánh chịu trách nhiệm chính. Thực tế với sự cố 20 tàu 67 hư hỏng của ngư dân Bình Định thì việc ngư dân trả nợ cho ngân hàng sẽ rất khó khăn” – ông Hổ cho biết.