Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được nhận định là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, hiệu quả; hình thành những đội tàu hùng hậu vươn khơi, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng để những đội “tàu 67” hoạt động hiệu quả hơn, cần sự chung tay, vào cuộc tháo gỡ bất cập.
Nhiều “tàu 67” đã vươn khơi khai thác thủy sản hiệu quả Ảnh: Xuân Trường
Đồng bộ, hiệu quả
Nghị định 67 được phê duyệt ngày 7/7/2014, là nghị định có nhiều chính sách đồng bộ, khuyến khích nhất, nhiều văn bản hướng dẫn nhất (12 thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương). Sau gần 3 năm triển khai, Nghị định đã đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần cải thiện nghề cá, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Việc triển khai Nghị định đã được các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tích cực vào cuộc; đến 31/7, đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó, 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp. Về giải ngân vốn vay đóng mới, các Ngân hàng Thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu, số tiền là 9.931 tỷ đồng, giải ngân cho vay 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng. Trong năm 2016, tổng giá trị bảo hiểm là 39.722 tỷ đồng, với 12.579 tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, tổng số thuyền viên là 128.291 người, tổng phí bảo hiểm là 400 tỷ đồng.
Đại diện một số địa phương thực hiện đóng tàu theo Nghị định 67 chia sẻ, đây là chính sách có ý nghĩa thiết thực, giúp nâng cao hiệu quả khai thác, tạo đội tàu hiện đại, ngư dân yên tâm khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tàu gặp sự cố
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, việc triển khai Nghị định 67 còn một vài hạn chế. Như do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế, giám sát thi công; hay công tác đăng kiểm còn thiếu về nhân lực…; nên đã có 40 tàu vỏ thép của ngư dân một số tỉnh, thành (Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam) gặp sự cố khi ra khơi, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động khai thác thủy sản. Nhưng, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt từ địa phương cùng sự chỉ đạo của các bộ, ngành đã nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục, sửa chữa những tàu hư hỏng theo quy định; dự định đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành và tiếp tục ra khơi.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương có số lượng “tàu 67” đóng mới và nâng cấp được phân bổ là 252 tàu, đến nay đã có 56 đó tàu đi vào hoạt động; nhưng có đến 19 tàu gặp sự cố khi tham gia khai thác nguyên nhân là do các đơn vị đóng tàu; địa phương và các bộ, ngành đã cùng vào cuộc tháo gỡ cho ngư dân, dự kiến đến hết tháng 8, các tàu được sửa chữa và ra khơi trở lại. Mặt khác, để chính sách này hiệu quả thiết thực hơn cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý, phân công trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các sở, ban, ngành rõ ràng hơn. Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng các con tàu trước khi bàn giao cho ngư dân, không để họ “đơn phương độc mã”; cùng đó, kiến nghị phía ngân hàng cần xem xét giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ để ngư dân đi biển tích lũy vốn thanh toán với ngân hàng.
Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị về chính sách bảo hiểm cho ngư dân, bởi sau khi Nghị định 67 kết thúc ngư dân không biết mua bảo hiểm ở đâu. Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm đó chính là đào tạo nguồn nhân lực, ngoài việc hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng thì cũng có chính sách ưu đãi cho những sinh viên theo học chuyên ngành khai thác thủy sản tại các trường đại học để thu hút nhân lực nhằm duy trì và phát triển lĩnh vực này.
Chính sách sửa đổi
Nghị định 67 sẽ kết thúc vào 31/12/2017, nên để tạo thêm điều kiện cho ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 để ban hành trong quý IV/2017, thực hiện từ quý I/2018. Trong đó, tập trung sửa đổi để huy động được nguồn lực xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, các cảng cá trọng tâm, cơ chế cho vay phù hợp; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan đối với các cơ sở đóng tàu mới; sửa đổi, bổ sung để có chính sách ưu đãi thuế, đúng với các quy định hiện hành.
Chia sẻ về Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, chích sách mới sẽ tiếp tục hiện đại hóa đội tàu chứ không làm tăng thêm tàu cá trên biển, vì nguồn lợi hải sản cũng tới hạn; đầu tư hạ tầng (cảng cá, bến cá, khu neo đậu, 5 trung tâm nghề cá…) để đồng bộ với đội tàu hiện đại. Do đó, những hạng mục này, ngân sách trung ương sẽ đầu tư 100%. Cùng đó, nghị định sẽ tập trung cho “phần mềm”, phải đào tạo, tập huấn cho ngư dân, có thể sử dụng hiệu quả tàu hiện đại. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng trình Chính phủ đóng tàu viễn dương, hợp tác với các nước để khai thác hải sản trên các vùng biển quốc tế.