Hiện nay, vấn đề khai thác thủy sản ven bờ tại nhiều địa phương diễn biến phức tạp, nhất là các hình thức theo kiểu tận diệt có chiều hướng gia tăng. Do đó, rất cần có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn.
Bộ đội biên phòng Quảng Ninh phát hiện và xử lý khai thác thủy sản tận diệt Ảnh: CTV
Gia tăng vi phạm
Nghề khai thác thủy sản chính ở Quảng Ninh chủ yếu là giã lưới kéo, chài chụp, câu khơi. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện nhiều tàu, thuyền làm nghề pha súc, cào ghẹ, cào sò, vạng năng suất cao; song do khai thác cào dưới đáy biển bằng những thiết bị mang tính hủy diệt cao như lồng bát quái, cào sắt, kích điện, xung điện… đã ảnh hưởng đến môi trường sống của các loại thủy sản, nhất là ở khu vực tầng đáy.
Trong tháng 7, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã phát hiện bốn đối tượng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản quê tại Hà Tĩnh, sử dụng thuyền có trang bị bộ kích điện xuất xứ Trung Quốc, phóng ra luồng điện 1.500 – 2.000 V, khiến không còn loài sinh vật nào sống sót, sau đó dùng lưới kéo lê dưới đáy biển để bắt thủy hải sản bị điện giật. Hiện vụ việc được giao cho cơ quan chức năng xử lý hình sự. Qua 2 đợt ra quân kiểm tra, đoàn kiểm tra của TP Móng Cái phối hợp với đoàn kiểm tra của các xã, phường đã xử lý 22 phường tiện, phạt hành chính 36 triệu đồng; xử lý cắt dây hạ lưới và chặt toàn bộ cọc tre đăng đáy của 55 hộ (mỗi hộ đăng đáy dài 1.000 – 1.500 m, trong đó 8 hộ xử lý 2 lần) đạt 91,7%.
Tại Bình Định, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ, giã cào… khai thác thủy sản trên các đầm phá, vùng ven biển diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, liền vứt dụng cụ kích điện xuống biển để phi tang. Lại có một số trường hợp chống đối lại lực lượng chức năng; trong khi lực lượng chức năng vừa thiếu vừa yếu, thiếu trang bị và công cụ hỗ trợ. Bình Định hiện có 1.205 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng 85.057 lưới lồng để khai thác thủy sản khiến trên 40% lượng thủy sản còn non bị đánh bắt cạn kiệt, tác động xấu đến các hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh…
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, toàn tỉnh có gần 250 phương tiện khai thác nghề lồng bẫy với sản lượng khai thác trên 1.440 tấn thủy sản/năm. Trong đó, có 68 loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao bị bắt bởi lồng bẫy là ghẹ xanh, ghẹ lửa, cá đù, tôm, cá khoai… Đặc biệt, ở khu vực biển Nhà Mát có hơn 100 phương tiện khai thác nghề lồng bẫy với hàng trăm lồng/phương tiện. Trong đó, trên 50% là ghe cào nhỏ từ các tỉnh khác vào khai thác.
Giải pháp mạnh
Để có thể ngăn chặn triệt để việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các ngành chức năng bằng mọi cách cấm triệt để đánh bắt hủy diệt, dùng mìn, kích điện, lồng bát quái. Trước hết, cấm tuyệt đối phương tiện đánh bắt trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long; vùng đệm lân cận vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long cấm tại chỗ việc đánh bắt kiểu hủy diệt. Có lộ trình chấm dứt đánh bắt thủy sản trên vịnh Hạ Long, chỉ có hoạt động trải nghiệm du lịch như câu cá, lặn… Cùng đó, yêu cầu các địa phương dọc bờ biển từ Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái phải tập trung chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt. Nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện các quy định của nhà nước liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuyệt đối không đánh bắt bằng các phương tiện hủy diệt.
Ông Hồng Văn Thưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu chia sẻ, nghề lồng bẫy làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản, nhưng vẫn chưa có một văn bản nào quy định về xử lý và cấm khai thác bằng nghề này. Vì vậy, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ kiến nghị Tổng cục Thủy sản ban hành văn bản cấm khai thác nghề lồng bẫy.
>> Ông Ngô Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh: Giải pháp quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, tự giác thực hiện khai thác thủy sản có trách nhiệm. Cùng đó, xây dựng kế hoạch và phát động đến các chi hội, hội viên đợt cao điểm “nói không” với khai thác tận diệt. |