Hỏi: Xin hỏi biện pháp phòng và trị bệnh rận cá? (Nguyễn Thanh Nam, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang)
Trả lời: Bệnh rận cá là do các loài thuộc giống Argulus và Alitropus gây ra. Khi bị bệnh, trùng ký sinh bám trên da cá hút máu cá đồng thời phá hủy da, làm viêm loét tạo điều kiện cho các sinh vật khác tấn công. Mặc khác, chúng còn dùng tuyến độc qua ống miệng tiết chất độc phá hoại làm cá có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
Cách phòng bệnh: Vệ sinh ao, sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi; Chọn loài cá nuôi phù hợp, con giống tốt, không mang mầm bệnh; Không thả cá với mật độ quá dày, thường xuyên bổ sung thuốc bổ, dinh dưỡng cho cá bằng các sản phẩm Vitamin C… Trị bệnh bằng cách tắm cá: Dùng muối ăn (NaCl) với nồng độ 2 – 3% tắm cho cá 5 – 10 phút. Phun thuốc trực tiếp xuống ao: Dùng CuSO4 với nồng độ 0,5 – 0,7 ppm (0,5 – 0,7 g/m3 nước), hoặc dùng lá xoan (cây sầu đâu tây) liều lượng 0,3 – 0,5 kg/m3 nước. Thường xuyên bổ sung vitamin, khoáng, premix để tăng cường sức đề kháng cho cá. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị khác trên thị trường theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất để điều trị.
Hỏi: Ao nuôi cá có hiện tượng nước bị đục, váng quanh năm. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Trần Văn An, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)
Trả lời: Theo mô tả, nguyên nhân gây nên hiện tượng trên có thể do độ pH thấp (ao bị chua, phèn), tảo không phát triển được, vì vậy cần dùng vôi xử lý.
Biện pháp: Rửa đáy ao (rửa chua) từ 2 – 3 lần, mỗi lần rửa chua cần bón vôi nung (CaO) với liều lượng 3.000 – 5.000 kg/ha hoặc 1.000 – 1.500 kg/mẫu.
Cách xử lý: Tát cạn đáy ao, giữ lại từ 5 – 10 cm, tiếp tục bón vôi và ngâm ao từ 7 – 10 ngày, tháo nước sau đó lặp lại 3 lần như trên. Sau khi thau rửa ao, cấp nước vào ao đủ mức yêu cầu (gây màu nước nếu cần thiết), kiểm tra độ pH, nếu độ pH đạt từ 7 – 7,5 là có thể thả cá được.
Hỏi: Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục bệnh long đầu trên tôm hùm? (Trần Long, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)
Trả lời: Nguyên nhân gây bệnh là do môi trường vùng nuôi có độ mặn thay đổi đột ngột (độ mặn thấp) hay có sự thay đổi lớn về môi trường nuôi; Tôm nuôi có thể bị nhiễm khuẩn. Bệnh làm cho tôm chết rải rác. Để phòng trị bệnh, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp: nuôi với mật độ thưa <5 con/m2, vệ sinh lồng thường xuyên. Di chuyển lồng/bè nuôi đến vùng có độ mặn ổn định (>28‰).Vào những ngày trời có mưa, hay sau những đợt mưa lớn cần chú ý tránh vớt tôm lên bề mặt lồng/bè nuôi. Tôm có thể bị sốc do thay đổi điều kiện môi trường sống, đặc biệt là thay đổi về độ mặn.