Bộ NN-PTNT đề xuất cơ quan công an phải vào cuộc điều tra người tổ chức đưa tàu thuyền ra nước ngoài đánh bắt trái phép.
9 ngư dân Việt Nam bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ở ngoài khơi thuộc tỉnh Narathiat, miền nam Thái Lan, tháng 11/2016. AFP/TTXVN
Hơn 10.000 ngư dân bị bắt
Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (IUU Fishing).
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thủy sản cho biết, vào tháng 5/2017, Ủy ban Châu Âu đã làm việc với Việt Nam để đưa ra cảnh báo và yêu cầu Việt Nam ngăn chặn, chấm dứt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trong thời gian tới. Ủy ban Châu Âu cũng khẳng định sẽ đưa ra biện pháp xử lý đối với nước thứ 3 không hợp tác về IUU. “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài”, bà Dung cho biết.
Theo bà Dung, từ năm 2010 đến nay, đã có 1.340 tàu cá với 11.028 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép bị bắt giữ, xử lý. Các nước bắt giữ tàu cá Việt Nam gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Philippin, Úc, Palau, Micronesia, Đài Loan, Solomon… Những địa phương ở Việt Nam có nhiều tàu và ngư dân vi phạm gồm Kiên Giang, Quảng Ngãi, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre… “Sau khi bị Ủy ban Châu Âu cảnh báo thẻ vàng về IUU vẫn có nhiều tàu cá vi phạm. Theo đó, có 16 tàu với 118 ngư dân bị bắt và xử lý”, bà Dung nói.
Theo các đại biểu tham dự hội nghị, cảnh báo của Ủy ban Châu Âu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng nên cần phải nhanh chóng xử lý dứt điểm. Việc đánh bắt trái phép nếu tiếp tục kéo dài sẽ bị nâng lên thẻ đỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành xuất khẩu thủy hải sản.
Công an phải vào cuộc điều tra
Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra – Tổng cục Thủy sản cho hay, Luật Thủy sản mới có nhiều quy định pháp lý về việc xử lý vi phạm việc đánh bắt trái phép, bất hợp pháp. Bà Huệ cho rằng tình trạng đánh bắt này vẫn đang tiếp diễn dù Ủy ban Châu Âu đã đưa ra khuyến cáo.
“Chúng ta phải xử lý nghiêm hành vi đánh bắt trái phép này. Tuy nhiên cơ quan công an cần vào cuộc để điều tra người chủ thực hiện việc đưa tàu thuyền ra nước ngoài đánh bắt. Đây có thể gọi là hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Các tàu vi phạm cũng cần phải cấm khai thác. Biện pháp song song là phải cấm mua bán, tiêu thụ, chế biến hải sản đánh bắt bất hợp pháp. Nếu không có người mua thì họ sẽ không còn đi đánh bắt trái phép như hiện nay”, bà Huệ đề xuất.
Ngoài ra, bà Huệ cho rằng cần phải lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình cho tàu cá có kích cỡ từ 15m trở lên.
“Ngư dân không muốn ghi vì họ nghĩ không cần thiết và sợ lộ ngư trường. Chúng ta cần phải tuyên truyền mạnh để ngư dân hiểu và thực thi ghi mẫu nhật ký khai thác. Nhật ký khai thác cần đơn giản để tạo thuận lợi cho người dân khi ghi thông tin, đây là biện pháp cần phải thực hiện ngay”, ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho hay.
Theo ông Yên, việc tổ chức tuyên truyền hiện nay đang triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả. Các cuộc tuyên truyền chủ yếu người tham dự là vợ con, người thân các chủ tàu, thuyền trưởng đang ở nhà. Mục đích hướng tới phải là chủ tàu, thuyền trưởng để tác động trực tiếp đến họ.