Sau nhiều kỳ vọng vào tiềm năng phát triển nguồn phụ phẩm thủy sản, Việt Nam đã đưa sản phẩm da cá tra xuất khẩu sang Singapore với giá trị cao, mở ra thị trường mới đầy hứa hẹn cho nhiều doanh nghiệp chế biến cá da trơn.
Sản phẩm da cá tra được nhiều thị trường ưa chuộng Ảnh: ST
Da cá tra từng được xếp vào nhóm phụ phẩm của ngành chế biến fillet cá tra đông lạnh, chủ yếu được tận dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đây lại là một nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu collagen và gelatin tốt cho sức khỏe, được nhận định có thể chế biến thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng để nâng cao giá trị con cá tra.
Theo khảo sát, 35 tấn fillet cá tra thì cần 100 tấn nguyên liệu đầu vào. Trung bình, một nhà máy chế biến sản phẩm cá tra thải ra khoảng 5 – 8 tấn da cá mỗi ngày. Giá bán phụ phẩm cá tra vào thời điểm năm 2008 dao động 3.500 – 4.000 đồng/kg, đến nay cũng chỉ vào khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg. Như vậy, nguồn nguyên liệu quý giá này vẫn còn bị lãng quên, giá trị chế biến chưa tương xứng với giá trị dinh dưỡng từ cá tra.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc DNTN Cỏ May trụ sở ở Đồng Tháp cho biết: “Cách đây 4 tháng, nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đề nghị chúng tôi cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn. Sau quá trình khảo sát, đối tác Singapore đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty”. Theo ông Giang, so với giá bán phụ phẩm trước đây, việc cấp bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã giúp nâng giá lên 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 – 24.000 đồng/kg. Hơn thế, thay vì bán phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm da cá tra sau khi xuất ngoại đã được chế biến thành snack da cá tra bán tại thị trường Singapore với giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230 g. Tuy nhiên, để xuất được, da cá tra phải đảm bảo các chứng nhận an toàn về vệ sinh thực phẩm quốc tế, không có dư lượng về thuốc bảo vệ thực vật, hóa học.
Hiện, mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore khoảng 50 – 60 tấn da cá. Theo kế hoạch năm 2018, Cỏ May sẽ mở rộng nhà máy để nâng công suất lên cao hơn nhằm đáp ứng đủ nhu cầu. Cùng đó, nghiên cứu khẩu vị, cách tẩm ướp của các nước như Singapore, Malaysia, châu Âu, Việt Nam để chế biến ra sản phẩm phù hợp và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm snack từ da cá tra đầu tiên tại Việt Nam.
Việc tận dụng tối đa từ chính phẩm tới cả phụ phẩm, chế phẩm (da cá, bao tử, bong bóng, mỡ, thịt vụn, getalin…), chú trọng công nghiệp chế biến đã trở thành hướng phát triển bền vững cho ngành hàng cá tra Việt Nam. Ngoài doanh nghiệp Cỏ May thu được giá trị cao từ da cá tra nhờ xuất khẩu, thì trong nước có Vĩnh Hoàn xây nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất 2.000 tấn/năm; IDI (sao Mai) với sản phẩm dầu cá cao cấp từ cá tra.