Một sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người làm thủy sản, nhất là các doanh nghiệp trong tháng đầu năm 2018; đó chính là Lễ mừng xuất khẩu thủy sản Việt Nam hoàn thành kế hoạch 8 tỷ USD của VASEP; đồng thời, phối hợp với Công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu năm 2018.
Sản phẩm tôm chế biến được nhiều thị trường ưa chuộng Ảnh: Huy Hùng
Lô hàng đầu tiên xuất khẩu trong năm 2018 gồm 3 container hàng, gồm một container hàng tôm đông lạnh 20 tấn trị giá hơn 290.000 USD xuất khẩu đi Canada; container hàng cá biển 20 tấn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với trị giá hơn 216.000 USD; container cá tra fillet 22 tấn trị giá hơn 84.000 USD xuất sang thị trường EU. Tổng cộng trị giá lô hàng xuất khẩu thủy sản đầu năm trên 590.000 USD, tương đương gần 13,4 tỷ đồng.
Đây thực sự là kết quả ấn tượng của ngành thủy sản trong một năm đầy những khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là tín hiệu đáng mừng của ngành, từ sự nỗ lực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn ngư dân, nông dân tiếp thêm động lực mạnh mẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018. Cùng đó, ngành thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu năm 2018 là 8,5 tỷ USD và tập trung xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo chia sẻ của đại diện VASEP, thành tích của ngành thủy sản trong năm 2017 cũng hết sức bất ngờ. Bởi, 2017 được nhận định là năm có nhiều chướng ngại vật mà ngành thủy sản phải vượt qua và dự báo cho kết quả của toàn ngành cũng không có nhiều tích cực; nhưng quả thực, ngành thủy sản đã có “cú lội ngược dòng” đầy ngoạn mục, mang về hơn 8,3 tỷ USD góp công lớn vào thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp. Phân tích về những kết quả của thủy sản năm qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, năm qua, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, có hai phần tác động mạnh đến giá trị kim ngạch chính là phần tăng trưởng liên quan đến giá và các mặt hàng giá trị gia tăng. Có nghĩa rằng, sản lượng bán có thể không thay đổi nhiều, nhưng chính việc đưa ra thị trường nhiều mặt hàng chế biến sâu vốn có giá bán tốt, cộng thêm yếu tố thuận lợi của thị trường về vấn đề tăng giá đã dẫn đến kết quả kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong vấn đế khống chế chất kháng sinh trong sản phẩm, nên các nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng tại đây đã quay trở lại sử dụng mạnh mẽ các sản phẩm thủy sản Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng chung vào giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2017, sản phẩm tôm vẫn giữ vững được phong độ của mình, khi là một trong 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD; là “ngôi sao” của ngành thủy sản năm 2017 khi góp tới gần 3,8 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản; trong đó, sản phẩm chế biến sâu từ tôm chiếm tới 50%. Điều này cho thấy thị trường thế giới đang hút các mặt hàng giá trị gia tăng và đây tiếp tục là xu thế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện để làm sao trên cùng một đơn vị sản phẩm có được giá bán sản phẩm tốt hơn.
Nhiều thách thức
Ngành thủy sản năm qua, tuy có nhiều điểm sáng, nhưng vẫn còn những trở ngại nhất định; một trong số đó chính là rào cản quy định kỹ thuật từ các nước nhập khẩu tiếp tục làm khó ngành thủy sản Việt Nam trong năm tới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm 2018, ngành thủy sản đối mặt với rất nhiều thách thức, cả lĩnh vực nuôi trồng lẫn khu vực khai thác. Đối với hải sản đánh bắt, trở ngại lớn nhất là châu Âu đã ra “thẻ vàng” đối với Việt Nam vì vi phạm các quy định về đánh bắt không khai báo, không theo quy định và không được quản lý (IUU). Do đó, giải pháp cấp bách hiện nay là tổ chức lại lĩnh vực khai thác thủy sản từ ngư nghiệp toàn dân sang một nền ngư nghiệp khai thác, chế biến xuất khẩu bền vững, dù đây là việc rất khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, rào cản kỹ thuật từ các nước vẫn liên tục xuất hiện; điều quan trọng là Việt Nam vẫn phải nỗ lực, kiên trì thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của rào cản. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, Bộ, ngành trong quá trình giải quyết các vấn đề tồn đọng hiện nay, như hóa chất, kháng sinh, tạp chất, khai thác IUU. Tuy nhiên, bà Thu Sắc vẫn tin tưởng, việc nắm bắt và nỗ lực giải quyết các vấn đề nói trên, cùng các điều kiện thuận lợi như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn đã tạo ra một hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng xuất khẩu. Cho nên, việc thực hiện mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm 2018 hoàn toàn có thể đạt được. Năm 2018, mặt hàng tôm chắc chắn vẫn chiếm ưu thế, vì năm 2017 đã chiếm 46% tỷ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Với cá tra, tình hình kinh doanh sẽ theo chiều hướng phục hồi chậm nhưng khả năng vẫn có thể đạt mức 1,8 – 2 tỷ USD trong năm 2018.
>> Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam vẫn tập trung xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là tôm, cá tra, mực, bạch tuộc… vào các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và EU. Sự kiện xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu tiên của năm 2018 sẽ đánh dấu sự bắt đầu hành trình tiến tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Đó cũng là lời cam kết của các doanh nghiệp thủy sản trong việc tập trung xây dựng chuỗi giá trị ngành bền vững nhằm vượt qua mọi thách thức, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, ngày càng tiến xa hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu. |