Cùng với niềm vui thắng lợi của ngành thủy sản năm 2017, đầu năm 2018, ngư dân tiếp tục đón nhận nhiều tin vui khi hoạt động khai thác liên tiếp thắng lợi và thu hoạch tốt, mở đầu với nhiều hứa hẹn.
Đầu năm 2018, ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa Ảnh: Ngọc Oai
Tưng bừng đón “lộc biển”
Thời điểm này, tình hình thời tiết ổn định, các địa phương trên cả nước, ngư dân vẫn tích cực ra khơi, khai thác hải sản.
Tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, chuyến biển đầu năm 2018, nhiều phương tiện khai thác hải sản cậåp bến với niềm vui trúng mùa. Mỗi chuyến đánh bắt, trừ chi phí, chủ phương tiện còn lãi 20 – 30 triệu đồng. Niềm vui trọn vẹn khi hải sản được giá. Các chủ phương tiện cũng cho biết, từ nay đến tháng 3 dương lịch, thời tiết gió mùa thuận lợi nên dự kiến đánh bắt đạt sản lượng cao. Ngư dân tranh thủ đầu tư ngư cụ vươn khơi, đánh bắt dài ngày.
Là địa phương có lượng tàu khai thác tăng liên tục, vừa qua, những chuyến biển đầu năm mới của ngư dân Quảng Trị cập bờ với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngư dân phấn khởi, hy vọng một năm đánh bắt bội thu. Ngay sau Tết Dương lịch, tại các âu thuyền ở tỉnh Quảng Trị, nhiều tàu thuyền trở về sau những ngày dài vươn khơi, thành quả là những chuyến biển bội thu, mang theo nhiều “lộc biển” đầu năm. Đây là những hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, ghẹ. Nhiều ngư dân trúng đậm có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đây là tín hiệu vui để ngư dân kỳ vọng một năm đánh bắt hải sản trúng mùa, được giá.
Hay như tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, tàu cá TTH 91982 TS do anh Nguyễn Văn Tý (42 tuổi, trú thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) làm chủ cũng thắng lớn trong những ngày ra khơi đầu năm 2018. Anh Tý cho biết, tàu của anh và các bạn thuyền thường khai thác hải sản cách bờ trên 50 hải lý. Trong chuyến biển vào đầu năm, tàu anh thu được hàng chục tấn thủy sản, trong đó gần 3 tấn cá ngừ có giá trị kinh tế cao. Không chỉ tàu cá anh Tý trúng đậm “lộc biển”, vào những ngày cuối năm 2017 vừa qua, nhiều tàu cá khác của ngư dân huyện Phú Vang cũng gặp may mắn khi chỉ sau mấy ngày vươn khơi đã cập bến với tôm, cá đầy khoang.
Cho tàu rẽ sóng cập cảng, ngư dân Nguyễn Hôi (thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An), chủ tàu cá vỏ thép TTH 99997 TS vui mừng cho biết, những chuyến biển đầu năm Dương lịch, tàu chúng tôi thường đánh bắt cách bờ 70 – 80 hải lý, vươn khơi đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và thu về nhiều tôm, cá. Trừ chi phí xăng dầu, đá, tiền thuê nhân công, vẫn lãi ròng cả trăm triệu đồng.
Chinh phục tàu hiện đại
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 tàu cá, trong đó 409 tàu khai thác xa bờ, trong đó có 200 tàu công suất từ 400 CV trở lên và 52 tàu có công suất trên 800 CV. Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản trên biển của ngư dân trong tỉnh đạt trên 30.000 tấn. Bên cạnh đó, có 40/45 tàu nằm trong chỉ tiêu hỗ trợ của Trung ương được phê duyệt hỗ trợ đóng mới với tổng vốn vay ưu đãi trên 280 tỷ đồng. Trong đó, có 4 tàu cá vỏ thép công suất trên 800 CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất 400 – 800 CV. Như vậy, Nghị định 67 của Chính phủ đã giúp các ngư dân hiện thực hóa giấc mơ đóng tàu cá công suất lớn, phục vụ hoạt động vươn khơi bám biển dài ngày…
Theo tâm sự của nhiều ngư dân, nghề đi biển rất khó khăn, nguy hiểm, do đó, họ rất cần sự hỗ trợ về chính sách, vốn để chinh phục những phương tiện hiện đại. Trong mùa khai thác, vào những dịp đầu năm, thường là lúc dễ “hái lộc” nhất, đồng thời, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng mạnh thời điểm đó; do vậy, các ngư dân luôn đẩy mạnh khai thác bằng việc ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, khai thác đúng pháp luật.