Từ chiều 30 Tết, ngư dân ở cửa biển Nghĩa An (Quảng Ngãi) lấy nước dừa rửa trên mũi tàu vào lúc cúng Tết, còn ngư dân Sa Huỳnh thì mở biển, với hy vọng một mùa khai thác nhiều thắng lợi.
Tàu ngư dân Sa Huỳnh mở biển đón xuân mới Ảnh: LVC
Theo lệ, vào sáng mùng 2 Tết, lăng thờ thần Nam Hải Đại tướng quân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) rực rỡ bóng cờ. Lá cờ Tổ quốc được treo trên đỉnh trụ, phía dưới là cờ ngũ sắc, cờ thần tung bay trong gió. Ngày xuân, bãi biển phía trước lăng như chìm vào giấc ngủ trưa dưới ánh nắng vàng ấm áp. Hàng nghìn tàu cá nằm nghỉ ngơi sau một năm xuôi ngược. Trên mũi các con tàu đều đặt những lẵng hoa vàng, khói hương bay thoang thoảng.
Trong cuốn du ký của các nhà hàng hải phương Tây và sử sách đều có nhắc đến bãi biển thôn Châu Thuận Biển. Đó là một eo biển rộng với đường cong dài hàng chục km. Nơi đây từng có một cửa biển thông thương và ăn sâu vào đất liền nên các tàu hải trình trên Biển Đông thường ghé vào nghỉ ngơi, mua lương thực và lấy nước ngọt khi trời yên biển lặng.
Vạn chài Châu Thuận Biển càng trở nên linh thiêng trong tâm tưởng của các ngư dân, nơi gửi gắm đời sống tâm linh của họ là lăng thờ thần Nam Hải Đại tướng quân. Các ngư dân mỗi khi đi biển xa đều mang lễ đến cúng và xin thần Nam Hải độ trì cho chuyến biển an toàn, đánh bắt thuận thọ: “Con dân ra biển bám đảo, giữ đảo để giữ gìn chủ quyền biển đảo, giữ gìn Hoàng Sa”. Lời nguyện cầu đó trở thành lời thề sắt son của những kình ngư ngang dọc trên biển cả. Và ngày đầu xuân, lời nguyện đó lại tiếp tục vang lên trong vạn chài.
Sáng mùng 3 Tết, trên cầu bắc từ thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh sang thôn Thạnh Đức 2 được chặn ngay giữa cầu. Hàng trăm người dừng lại trước hai rào chắn để chứng kiến ngư dân mở biển. Từ thôn Thạnh Đức 1, tàu cá muốn ra cửa biển Sa Huỳnh để đi biển đánh mẻ lưới đầu năm phải chui qua cầu. Vậy là theo tín ngưỡng, chiếc cầu được thiết lập một vùng cấm rộng khoảng 10 mét, là nơi con tàu sẽ chui qua. Vùng cấm này là cách để các ngư dân thể hiện lòng tôn kính hướng về các bậc tiên tổ.
Ngư dân Nguyễn Văn Chinh, thuyền trưởng tàu QNg 9114 TS cho biết: “Con tàu giống như cái nhà của mình, mà trong ngôi nhà đó có bàn thờ, có tổ tiên, ông bà. Trên mỗi con tàu đều được đặt bàn thờ ngay ở mũi tàu. Vì vậy xưa bày nay làm, con cháu không được đi trên cầu lúc tàu xuất hành. Bà con làm vậy để thể hiện lòng tôn kính ông bà, tổ tiên”.
Tại cầu Thạnh Đức 2, mỗi khi chiếc tàu chở hàng chục ngư dân hò reo tiến ra biển, ngư dân trên cầu lại vẫy tay chào và hò reo vang dội. Vì chiếc cầu bắc qua sông có nhịp thấp nên tàu cá phải gập cột cờ lúc chui qua gầm cầu. Khi tàu vừa lọt qua thì lập tức nâng cột cờ và căng lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh đó giống như ngư dân làm lễ kéo cờ, chào cờ Tổ quốc trong ngày đầu xuân mới.
Sáng mùng 1 Tết tại cửa biển Sa Kỳ, những nhà máy đá đã nổ máy chạy đầu năm để kịp cung cấp cho đoàn tàu đang neo tại bến. Các lao công tại bến cho biết, chưa năm nào ngư dân tính ra khơi sớm như năm nay. Vì vậy, sáng mùng 2 Tết là đã bắt đầu làm việc, đưa đá xuống tàu. Trong ngày xuân, cảng Sa Kỳ có khoảng 3.000 tàu cá neo đậu, ước tính sẽ có 25.000 cây đá lạnh được xuất bán trong ngày đầu xuân.
Ngày đầu xuân, đi qua các làng chài vẫn nghe văng vẳng tiếng reo hò của ngư dân trong ngày mở biển. Trên những con tàu, các kình ngư luôn vững tâm bám biển. Bởi trong tâm tưởng của họ đã có lời nguyện cầu của các bậc cha ông về sự bình an, thuận thọ.
>> Theo lệ, những chiếc tàu nối đuôi nhau trong lễ xuất hành đầu xuân là tàu đánh bắt đạt sản lượng và được làng chài tiến cử tham gia lễ mở biển để lấy hên cho vạn chài trong ngày đầu xuân. Còn hàng nghìn chiếc tàu còn lại thì xếp thành hai hàng dài ở cửa biển. |