Nếu như trước đây Hoài Nhơn (Bình Định) là huyện miền biển thường xuyên có số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì đến năm 2017, nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền và một số biện pháp “rắn” nên số trường hợp vi phạm giảm mạnh.
Tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa đang hoạt động ngoài khơi xa
Trong năm 2018 này, huyện Hoài Nhơn phấn đấu sẽ không còn tàu cá nào vi phạm.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Hoài Nhơn hiện có 2.268 chiếc tàu cá với tổng công suất gần 1.104CV, trong đó có 2.091 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Từ năm 2011 đến năm 2017, trên toàn địa bàn huyện có 108 tàu cá với 948 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vì vi phạm vùng biển, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân cũng như quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.
Nhằm chấm dứt tình trạng trên, từ năm 2017, huyện Hoài Nhơn áp dụng nhiều biện pháp mềm có rắn có để ngư dân ý thức rằng những vi phạm kể trên ngoài nguy hiểm đến tính mạng, còn làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, mà đối tượng trực tiếp gánh hệ lụy này chính là ngư dân. Về biện pháp “rắn”, nếu chủ tàu thuyền cố ý đưa tàu đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài sẽ bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác hải sản từ 3 đến 6 tháng, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải chịu chi phí đưa ngư dân về nước, đồng thời không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và các chính sách hỗ trợ khác.
Đồng thời, Hoài Nhơn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển các nước. Các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở đồng loạt vào cuộc, thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho bà con ngư dân vùng biển. Hàng tháng, hàng quý, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (thuộc BĐBP tỉnh Bình Định) phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền tại từng thôn, nhất là các thôn có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều, các thôn có số lượng tàu thuyền bị bắt giữ lớn, để nâng cao ý thức cho ngư dân.
Trung tá Phạm Liên, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, cho biết: “Trong năm 2017, Đồn biên phòng Tam Quan Nam đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức 27 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 3.380 ngư dân. Ngoài tuyên truyền về tình hình biển đảo của Tổ quốc, hầu hết các ngư dân được phổ biến về các chế tài của các nước xử phạt rất nặng với tàu cá vi phạm vùng khai thác”.
Nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm lãnh hải nước ngoài, trong năm 2017, số tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm giảm mạnh, chỉ có 6 tàu/76 lao động bị bắt, giảm 19 tàu/139 lao động so với năm 2016. Riêng ở xã Tam Quan Nam, trong năm 2017 tình trạng ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ trên địa bàn xã giảm được 50% so với năm 2016. “Việc tuyên truyền sâu sát đến từng thôn đã có tác động tích cực đến ngư dân, mang lại hiệu quả trông thấy. Trong năm 2018, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để tiến tới xóa sạch tình trạng tàu cá vi phạm”, ông Huỳnh Xuân Vấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, nói kiên quyết.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, ngay trong những tháng đầu năm 2018, huyện này đã chỉ đạo cho các xã biển tổ chức gặp mặt các chủ thuyền để vận động. Đến nay đã có 4 xã gồm: Hoài Hải, Hoài Hương, Tam Quan Nam và Hoài Thanh tổ chức gặp mặt ngư dân đầu năm với gần 1.000 chủ tàu thuyền tham dự.
“Tại buổi gặp mặt, chúng tôi được phổ biến về các chính sách pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; ngư dân có điều kiện trao đổi với chính quyền về những vướng mắc, bất cập trong quá trình khai thác, đánh bắt. Ngoài việc tuyên truyền các quy định để giảm tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân trang bị hệ thống định vị trên tàu cá để nắm rõ được vị trí khai thác tránh tình trạng vi phạm”, ngư dân Phạm Văn Danh đề nghị.