Để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp và người nuôi cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi kiện và khiếu kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – xung quanh việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về quyết định áp mức thuế chống bán phá giá mới dành cho cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ của DOC?
Chúng tôi cho rằng, kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 của DOC đối với cá tra xuất khẩu Việt Nam là hết sức vô lý. DOC đã sử dụng biện pháp thương mại, áp đặt các biện pháp tính toán thiếu cơ sở, thậm chí thiếu cơ sở pháp lý. VASEP nhận thấy, đây là vấn đề có thể bị áp đặt liên quan đến bảo hộ mà cụ thể là bảo hộ cho những người nuôi cá nheo tại Hoa Kỳ đang sử dụng công cụ này tạo sức ép cho cá tra Việt Nam.
Vậy VASEP và các doanh nghiệp thủy sản sẽ có những động thái gì?
Trước tình hình này, VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đang tiến hành chuẩn bị thủ tục cần thiết để khởi kiện và khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, yêu cầu DOC phải xem xét đầy đủ, toàn diện, cẩn trọng hồ sơ của các doanh nghiệp Việt Nam để có điều chỉnh mức thuế hợp lý hơn cho cá tra Việt Nam. Ngoài ra, do đặc thù của thủy sản là sản xuất theo nhu cầu khách hàng nên chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh những vấn đề liên quan đến rào cản thương mại…
Xin ông cho biết, trước việc thị trường Hoa Kỳ đang có nhiều rào cản thương mại gây bất lợi cho xuất khẩu cá tra, VASEP có khuyến cáo hay hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản mở rộng thị trường không?
Mở rộng thị trường là vấn đề thường xuyên và liên tục của ngành thủy sản. Trước khi thị trường Hoa Kỳ có những rào cản thương mại như hiện nay, chúng tôi đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường để tránh bị phụ thuộc. Thực tế đã cho thấy, ngoài thị trường Hoa Kỳ, cá tra của Việt Nam đã xuất khẩu sang rất nhiều nước tại EU và Trung Quốc…
Theo ông, thị trường Hoa Kỳ có ảnh hưởng gì tới xuất khẩu thủy sản trong năm 2018?
Chế biến cá tra xuất khẩu
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản Việt Nam. Mặc dù vậy, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn vì năm 2018, ngành thủy sản ra mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch từ 9 – 10 tỷ USD. Con số này không đơn giản bởi trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều thách thức về nguyên liệu, các rào cản thương mại cũng như những tác động tâm lý đến doanh nghiệp từ các vụ kiện như cá tra vừa qua. Tuy nhiên, với định hướng rõ ràng, xuyên suốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, nhiều khả năng, ngành thủy sản vẫn đạt kết quả tốt trong năm 2018.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản đang có rất nhiều thuận lợi khi một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết, đặc biệt là FTA với EU, đây là cơ hội tiếp cận thêm khách hàng lớn từ thị trường EU. Ngoài ra, Chính phủ đã định hướng đưa thủy sản trở thành mặt hàng quốc gia – sẽ là động lực để cho ngành này xuất khẩu. Cuối cùng, việc quản lý sản xuất theo chuỗi trong ngành thủy sản đã giúp khách hàng tin tưởng vào chất lượng, giúp cho thủy sản có lợi thế nuôi trồng, các nhà máy hiện đại có khả năng chế biến sâu, giúp cho sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!