Bốn tháng đầu năm 2012, XK cá tra Việt Nam sang Đức đạt 18,556 triệu USD, giảm 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường có mức giảm NK cá tra mạnh nhất trong số các nước thuộc khối EU NK chủ lực cá tra từ Việt Nam .
Giá XK trung bình cá tra Việt Nam sang Đức trong những tháng đầu năm nay đạt khoảng 2,93 USD/kg, tăng so với 2,49 USD/kg của năm 2011 và 2,64 USD/kg của năm 2010.
Cá minh thái Alaska chiếm 25% thị phần tại thị trường Đức. Tiêu thụ cá minh thái Alaska của Đức có xu hướng tăng do giá cá giảm. Cá tra là loài cá được tiêu thụ nhiều thứ 5 tại Đức nhưng do giá cá tra tăng nên người tiêu dùng Đức quay sang tiêu thụ cá minh thái Alaska dù giá cá tra vẫn rẻ hơn.
Từ khoảng 5 năm nay, giá trị XK cá tra sang Đức đều đạt trên 65 triệu USD/năm.
Năm 2011, chi phí cho thủy sản của người Đức tăng thêm 0,4%, giá thủy sản trung bình tăng 3% đã dẫn đến khối lượng tiêu thụ giảm 2,5%. Tiêu thụ thủy sản của Đức ổn định trong năm 2011 với mức bình quân 15 kg/người, trong đó cá minh thái Alaska được tiêu thụ nhiều nhất, tiếp đến cá trích, cá hồi (chủ yếu là cá hồi nuôi), cá ngừ và cá tra. Tiêu thụ cá trích, cá hồi, cá ngừ đều giảm vì giá tăng. Khối lượng tiêu thụ hầu hết các loài cá được ưa chuộng tại Đức đều có xu hướng giảm do giá cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá minh thái lại có xu hướng tăng do giá giảm.
Từ khoảng 5 năm nay, giá trị XK cá tra sang Đức đều đạt trên 65 triệu USD/năm. Đây cũng là loài thủy sản hiện chiếm vị trí thứ 5 trong số các mặt hàng thủy sản được yêu thích ở Đức vì các ưu thế cơ bản là hương vị trung tính, dễ chế biến và giá thấp hơn so với nhiều mặt hàng thủy sản khác.
Khác với một số nước EU ở phía nam, người dân Đức không thích ăn các loài hải sản tươi sống nên cá tra NK vào Đức chỉ ở dạng philê đông lạnh và hoàn toàn dùng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa vì nước này không tái xuất cá tra.
Cá tra được bán ở Đức chủ yếu thường có khối lượng 120/170g, 170/220g và 220g. Dưới áp lực về giá, các nhà bán lẻ Đức có xu hướng quan tâm đến giá trị gia tăng trong sản phẩm.
Hiện nay có tới 84% số hộ gia đình Đức sử dụng thủy sản, điều này cũng phù hợp với xu hướng chống béo phì và ưa chuộng thực phẩm lành mạnh. Trong số các loài thủy sản được tiêu thụ nhiều ở Đức, có nhiều loài thủy sản NK như cá tra Việt Nam, cá rô phi từ các nước Châu Mỹ La tinh, bên cạnh các loài thủy sản được tiêu thụ chủ yếu như cá trích vùng Emden phía bắc nước Đức và cá bơn Hà Lan.
Đối với người tiêu dùng Đức, cả hai nguồn thủy sản nội địa và NK trước hết đều phải là những sản phẩm có giá cả, chất lượng và tính tiện dụng chấp nhận được. Người Đức thường mua thủy sản ở các khu vực như siêu thị, các chợ thủy sản địa phương đáp ứng được nhu cầu tiện dụng và sở thích thưởng thức các món đặc sản. Philê cá tra đông lạnh và philê cá trích cắt miếng đông lạnh là những món dễ chế biến, tiện dụng nên đều có vai trò quan trọng trên thị trường Đức hiện nay. Các siêu thị lớn của Đức cũng như tập đoàn Edeka và nhiều tập đoàn khác đã phát triển các quầy thủy sản với số vốn đầu tư lớn từ những chuỗi bán lẻ lớn như Tegut và Real. Về cơ cấu sản phẩm, thủy sản đông lạnh được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 34% thị phần; tiếp đến là thủy sản đóng hộp và ướp gia vị chiếm 26%; thủy sản tươi chiếm 8%…
XK cá tra Việt Nam sang Đức sụt giảm là do giá XK tăng cao trong khi giá cá minh thái Alaska lại có xu hướng hạ nên người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ cá minh thái. Thực tế, nền kinh tế Đức vẫn chưa phục hồi, vì vậy người tiêu dùng sẽ lựa chọn những thực phẩm cùng loại nhưng có giá thấp hơn. Mặc dù thị phần bị thu hẹp đôi chút nhưng cá tra vẫn giữ được chỗ đứng nhất định trên thị trường Đức, đặc biệt trong thời buổi khủng hoảng tài chính đang tràn lan khắp Châu Âu, không ngoại trừ nước Đức.
NT
Theo VASEP