Với nhiều nước xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, SIMP thực sự là rào cản lớn, tuy nhiên, đây lại là công cụ giúp Mỹ ngăn chặn sự thâm nhập của thủy hải sản giả mạo, kém chất lượng và khai thác trái phép.
Ảnh minh họa
SIMP được Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA) đưa ra quyết định cuối cùng vào 9/12/2016. Chương trình này được thiết lập cho 13 loài thủy sản đang có nguy cơ bị khai thác quá mức, gồm bào ngư, cá tuyết Atlantic, cá Mahi, cá mú, cua huỳnh đế đỏ, cá tuyết cod Pacific, cá hồng, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm và cá ngừ (albacore, bigeye, sọc dưa, vây vàng và vây xanh). 2018 sẽ là năm bắt buộc phải thực hiện SIMP với hầu hết các loài thủy hải sản trong nhóm trên, trừ bào ngư và tôm. Do đó, các cộng đồng khai thác tôm dọc vùng vịnh và Nam Thái Bình Dương đã vận động các Thượng nghị sỹ tại Mỹ bổ sung kiểm soát nguồn gốc và các lệnh giám sát nghiêm ngặt đối với tôm nhập khẩu vì đây là nhóm hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất đưa tôm vào chương trình SIMP trong Luật phân bổ ngân sách năm tài khóa 2018. David Veal, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) cho biết, dự luật của Hạ viện sẽ được chuyển đến Thượng viện và trở thành luật chính thức sau khi Tổng thống Trump ký.
SIMP yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản nhập khẩu từ thời điểm khai thác/thu hoạch tới cảng đầu tiên tại Mỹ để ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không được quy định (IUU). Thông tin truy xuất nguồn gốc gồm thông tin thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo qua hệ thống điện tử vào thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống số liệu thương mại quốc tế. Đồng thời, hồ sơ lưu về chuỗi lưu giữ, các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm được đưa vào Mỹ phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong thời hạn 2 năm và cơ quan kiểm toán có thể yêu cầu trình xuất. Như vậy, nội dung truy xuất nguồn gốc trong chương trình SIMP sẽ xóa bỏ sự hiện diện của các nhà sản xuất nước ngoài và các nhà nhập khẩu trung chuyển tôm từ một nước sang một nước khác và người tiêu dùng Mỹ sẽ được hưởng chính sách an toàn thực phẩm thủy sản tương tự như người tiêu dùng châu Âu và Nhật Bản
Ngoài ra, theo Cục Nghề cá quốc gia, thuộc NOOA, từ ngày 7/4/2018, hồ sơ cho các sản phẩm theo chương trình SIMP nếu không có dữ liệu SIMP, chưa đầy đủ hoặc chứa dữ liệu SIM PGA sai lệch, phải được chỉnh sửa trước khi được chấp nhận. Bên cạnh đó, SIMP bao gồm một điều khoản lưu giữ hồ sơ, nghĩa là tất cả các hồ sơ thuộc chương trình này đều có thể được kiểm tra và tuân theo hoạt động thực thi bắt đầu từ 1/1/2018. Những người tham gia xuất nhập khẩu hoặc tái xuất khẩu các loài được chọn lựa cũng phải tuân thủ tất cả các yêu cầu khác của các chương trình giám sát thương mại NOAA bao gồm các chương trình thương mại TTVP/NOAA 370, HMS ITP và AMLR. Với một thị trường nhập khẩu thủy hải sản quy mô lên đến 96 tỷ USD như Mỹ, những quy định chặt chẽ nhằm chống thủy sản khai thác trái phép và gian lận thương mại trong SIMP được đánh giá là hiệu quả và cần thiết.