T2, 06/07/2020 01:06

Ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá vi phạm

Chưa có đánh giá về bài viết

Để thực hiện điều này, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả và đồng bộ, nhằm cải thiện tình hình khai thác thủy sản, nhanh chóng tháo gỡ “thẻ vàng” của EU.


Tàu khai thác của ngư dân Cà Mau Ảnh: T.N 

Mạnh tay xử lý

Nếu như từ năm 2010 đến nay, Cà Mau có trên 300 tàu khai thác vi phạm vùng biển các nước bị phía nước ngoài bắt giữ, thì phần lớn tập trung vào ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời với 279 tàu cá, 2.375 thuyền viên. Từ tháng 10/2017 đến nay, trên địa bàn thị trấn Sông Đốc có đến 16 phương tiện bị Thái Lan bắt giữ và thực trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Qua công tác nắm địa bàn cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của một số ngư dân còn chưa cao, hầu hết vì lợi ích kinh tế nên cố tình vi phạm. Đặc biệt, gần đây việc xuất hiện nghề cào banh long, vì lợi nhuận cao mà ngư dân bất chấp vi phạm.

Chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện quyết tâm các giải pháp nhằm hướng đến ngăn chặn hoàn toàn việc khai thác hải sản vi phạm vùng biển các nước trong khu vực. Trong đó tập trung vào việc xử lý có hiệu quả tài cá vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…

Trong diễn biến liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vừa ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành và cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn quản lý vẫn tiếp tục khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Tịch thu vĩnh viễn bằng thuyền trưởng, máy trưởng, giấy phép hoạt động đối với phương tiện khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU), mới đây, Sở NN&PTNT Trà Vinh vừa phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức 5 tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân khai thác hải sản trong tỉnh về một số giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về IUU.

Tại các lớp tập huấn, trên 250 ngư dân là thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên làm việc trên các tàu cá khai thác hải sản xa bờ của tỉnh Trà Vinh đã được các cán bộ Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh triển khai những nội dung cơ bản của công ước Luật Biển quốc tế 1982, Luật Biển Việt Nam 2012, ranh giới giữa các vùng biển chồng lấn, vùng nước lịch sử có liên quan với các nước, các chế tài và hình thức xử phạt về hoạt động thủy sản bất hợp pháp của các nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines… cùng với Chỉ thị 689, Công điện 1329, Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngăn chặn giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài” và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Đồng thời, ngư dân còn được hướng dẫn các đặc điểm và phương pháp nhận dạng các phương tiện lạ xuất hiện trên biển; ranh giới các vùng biển Việt Nam và vùng biển các nước trong khu vực; những quy định về hoạt động của tàu cá khi ra, vào cảng; công tác đảm bảo về an ninh, an toàn hàng hải và sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển; quy định xử phạt vi phạm hành chính, chế tài xử lý khi tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Ngày 2/4/2018, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, mục đích thực hiện một cách có hiệu quả nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác thủy sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, sau sự việc EU rút “thẻ vàng” đối với thủy sản, Việt Nam càng phải chặt chẽ, khắt khe hơn với thủy sản để thích hợp với các tiêu chuẩn cao của châu Âu và thị trường Mỹ. Khi EU cũng như Mỹ đã có những động thái tiêu cực đối với hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thì các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn các mặt hàng nông sản luôn là một thách thức lớn và phải được đặt lên hàng đầu. Điều này có nghĩa là Việt Nam càng phải chặt chẽ hơn để thích hợp với các tiêu chuẩn cao của châu Âu và thị trường Mỹ.

>> Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Công ty chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng Công ty luôn đồng hành cùng VASEP cam kết chống khai thác IUU. Tin tưởng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự đồng hành của ngư dân, ngành thủy sản của Việt Nam sẽ lấy lại được “thẻ xanh” từ EU.

Trần Nguyên - Thanh Tuyền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!