Tính đến giữa tháng 4/2018, sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) gây ra, tổng số tiền các địa phương đã rút từ Kho bạc Nhà nước để thanh toán chi trả cho các đối tượng do Bộ Tài chính tạm cấp là 6.382/6.943 tỷ đồng (đạt 91,92%).
Khai thác thủy sản tại các tỉnh miền Trung được khôi phục Ảnh: ST
Thông tin trên được Bộ Tài chính cho biết sau khi Bộ này có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về kết quả thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường biển miền Trung (sự cố Formosa Hà Tĩnh).
Cụ thể, Hà Tĩnh 1.612,8/1.660,8 tỷ đồng; Quảng Bình 2.638,6/2.721 tỷ đồng; Quảng Trị 1.001,4/1.010,4 tỷ đồng; Thừa Thiên – Huế 961,109/966,87 tỷ đồng.
Tổng số tiền các địa phương đã rút từ Kho bạc Nhà nước để thanh toán chi trả cho các đối tượng bị thiệt hại hơn 6.382 tỷ đồng, trên tổng số 6.442 tỷ đồng được UBND các tỉnh phê duyệt, đạt 99,06%. Trong đó, riêng Thừa Thiên – Huế chi trả đạt 100%, các tỉnh còn lại đạt từ 98 – 99%.
Điển hình như tại Quảng Trị, địa phương gấp rút thực hiện chi trả cho người dân bị ảnh hưởng từ sự cố này. Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, sự cố môi trường biển xảy ra vào nửa cuối tháng 4 đầu tháng 5/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hơn 8.000 hộ và gần 16.000 người dân ở 16 xã, thị trấn vùng ven biển của tỉnh. Ngay khi sự cố xảy ra, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại, chuyển đổi sản xuất tạo sinh kế.
Cùng với việc đền bù cho người dân, tỉnh Quảng Trị cũng hỗ trợ tối đa ngư dân làm nghề khai thác hải sản xa bờ, theo các chính sách phát triển thủy sản. Đến cuối tháng 4/2018, toàn tỉnh có 25 tàu cá được đóng mới và đưa vào sử dụng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Đồng thời, có 93 ngư dân được vay vốn tín dụng để nâng cấp tàu cá công suất lớn. Tổng mức đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 ở Quảng Trị đạt trên 550 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân được hơn 431 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2018, ngư dân Quảng Trị đã khai thác được gần 6.060 tấn hải sản. Đồng thời, nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Quảng Trị cũng đã hồi sinh, với gần 2.000 tấn thủy sản, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và cá.
Còn tại Thừa Thiên – Huế, theo đánh giá của UBND tỉnh, sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và các địa phương ven biển bị ảnh hưởng của sự cố môi trương biển nói riêng ổn định. Người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển ở các địa phương đã được nhận tiền đền bù thuận lợi, an toàn và đều phấn khởi, đồng tình cao với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.