Châu Âu là một trong những thị trường lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam, nhưng nhu cầu đối với cá tra đang gặp áp lực giảm trong thời gian gần đây. Song cơ hội chưa hẳn đã hết.
Chế biến cá tra xuất khẩu Ảnh: LHV
Giảm nhập khẩu
Điều này thể hiện trong suy giảm nhập khẩu cá tra của châu Âu năm 2015 với mức giảm 14% so năm 2014 và giảm 17,7% trong 3 tháng đầu năm 2018. Ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm vấn đề khắc phục vụ bê bối bơm nước cho cá nặng cân, nhiệt độ cao gây ra nhiều dịch bệnh hơn và cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các loại cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá minh thái Alaska. Đặc biệt, chiến dịch tẩy chay cá tra tại các thị trường như Tây Ban Nha và Bỉ trực tiếp làm giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam của EU. Cho đến khi các nền kinh tế châu Âu tiếp tục tăng trưởng, có thể dự báo rằng, tiêu dùng cá tra vẫn gặp áp lực giảm và khó trở về mức nhu cầu trước đây.
Nỗ lực tự cung tự cấp
Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu EU sẽ ít phụ thuộc vào nguồn thủy sản nhập khẩu. Mục tiêu này đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng đối với thủy sản và các protein thủy sản với các thị trường đang tăng trưởng mạnh như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Để đạt được điều này, EC và các chính phủ thành viên đang đầu tư vào tăng sản xuất thủy sản thông qua đổi mới công nghệ và hỗ trợ kinh doanh. Năm 2017, EC đã triển khai hai sáng kiến trị giá 14 triệu euro để thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại châu Âu mang tên PerformFISH và MedAID. Các nỗ lực này có thể không giúp tăng mạnh sản xuất trong ngắn hạn nhưng có thể thành công trong dài hạn và giảm nhu cầu đối với một số loại thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là cá tra và cá rô phi.
Còn cơ hội nào?
Dù nhiều dự báo cho thấy, thời gian tới, châu Âu có khả năng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam, song cơ hội vẫn còn nếu các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam biết cải thiện chất lượng, quan tâm nhiều hơn đến chứng chỉ sản xuất bền vững, bởi hai yếu tố này ngày càng trở nên quan trọng hơn tại thị trường châu Âu.
Chứng chỉ bền vững cho các loài cá thịt trắng nói chung, cá tra nói riêng đang rất được quan tâm do người tiêu dùng châu Âu ngày càng nhận thức cao hơn về các vấn đề bền vững liên quan đến khai thác và nuôi trồng thủy sản. Marine Stewardship Council (MSC) và Friend of the Sea (FOS) là những hệ thống chứng nhận uy tín nhất cho cá thịt trắng tự nhiên. Đối với cá thịt trắng nuôi (trong đó có cá tra) thì các chứng nhận Aquaculture Stewardship Council (ASC) và Global Good Agricultural Practice (GlobalGAP) đứng đầu thị trường.
Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng sản phẩm và chế biến. Các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu các nhà cung cấp phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng như: British Retail Consortium (BRC) và International Featured Standards (IFS). Mặc dù các tiêu chuẩn chất lượng trước đây chỉ quan trọng với phân khúc bán lẻ, song ngày càng nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu vấn đề này ở khắp các phân khúc thị trường về dài hạn. Nếu các nhà cung cấp không thể đạt các tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đây sẽ là hạn chế rất lớn trong việc mở rộng thị trường và các phân khúc thị trường.
Ngoài ra, người tiêu dùng châu Âu vẫn có nhu cầu cao đối với các sản phẩm tiện lợi, ăn liền, nấu liền, giá trị gia tăng cao. Vì thế, đây vẫn là phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đầu tư để phát triển.