Lượng thanh niên đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng, số còn lại ở nhà bị già hóa lại thiếu kinh nghiệm, yếu tay nghề nên hầu hết các chủ tàu vỏ thép ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đều phải thuê lao động ngoại tỉnh để ra khơi đánh bắt.
7 bạn thuyền của ông Lê Văn Ất đều là người Nam Định
Không thuê được thì tàu cá có nguy cơ nằm bờ.
Xã Xuân Hội có đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất Hà Tĩnh. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, việc tìm kiếm bạn thuyền đang là vấn đề khó khăn nhất của các chủ tàu vỏ thép này. Hầu hết ngư dân đã lớn tuổi, lại yếu tay nghề, thiếu kinh nghiệm đánh bắt vùng khơi, hơn nữa họ không mặn mà với việc ra khơi dài ngày buộc các chủ tàu phải tìm kiếm ngư dân nơi khác.
Với khát vọng vươn khơi bám biển, ông Lê Văn Ất (thôn Hội Thủy) đã vay vốn theo Nghị định 67/CP của Chính phủ đóng con tàu vỏ thép. Từ ngày sắm tàu lớn ông phải chạy khắp nơi, gõ cửa ngư dân trong xã mong tìm bạn thuyền ra khơi, thế nhưng ông chỉ nhận được cái lắc đầu hoặc có người nhận nhưng chỉ được vài tháng phải xin nghỉ vì không chịu được sóng to, gió lớn.
Được người quen giới thiệu, ông Ất lặn lội ra tận Nam Định thuê được 7 lao động. Đang tất bật tiếp hàng hóa, sắm sửa lưới cụ chuẩn bị ra khơi, ông Ất chia sẻ: “Khi quyết định đóng tàu vỏ thép tôi không nghĩ việc tìm lao động khó như thế này. Hầu hết lao động trong xã đều từ chối bởi thanh niên trai tráng đi xuất khẩu lao động, còn ngư dân lớn tuổi chỉ quanh quẩn đánh cá vùng lộng. Họ không chịu được sóng to, gió lớn ngoài khơi nên nếu có thúc ép họ nhận lời thì cũng chỉ đi vài chuyến rồi xin nghỉ”.
Mới ngoài 20 tuổi nhưng em Nguyễn Văn Thành được đánh giá là bạn thuyền lành nghề, chăm chỉ
Theo ông Ất, mỗi chuyến ra khơi phải có ít nhất 7 – 10 lao động trên tàu trong đó 1 lái tàu, còn lại là thuyền viên lành nghề. Nếu không thuê đủ số thuyền viên thì năng suất sẽ giảm sút, sản lượng không đủ bù chi phí. Tuy nhiên, để thuê được lao động ngoại tỉnh, buộc các chủ tàu phải trả công hậu hĩnh hơn. “Đối với những lao động ngoại tỉnh tôi phải trả lương theo tháng, kể cả những tháng tàu nằm bờ hoặc thua lỗ, mình cũng phải trả lương để giữ chân lao động”, ông Ất chia sẻ thêm.
Dù tuổi đời mới ngoài 20, nhưng em Nguyễn Văn Thành (quê Nam Định) được đánh giá là một trong những lao động lành nghề và có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Thành làm bạn thuyền của ông Ất gần một năm nay, với mức lương 10 triệu/tháng. Thành nói: “Vào Hà Tĩnh lương cao hơn ở quê. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ một tuần đến 15 ngày, sau mỗi chuyến đi chủ thuyền sẽ cho về thăm quê một lần”.
Thuê lao động địa phương phải cần 10 người, trong khi lao động ngoại tỉnh chỉ cần 7 người
Trên chiếc tàu vỏ thép của anh Trần Quốc Dũng (thôn Hội Thủy) chỉ có duy nhất chủ thuyền là người Hà Tĩnh, còn lại 7 thuyền viên đều quê ở Nam Định. Để giữ chân lao động, anh Dũng trả lương theo tháng, kể cả những tháng ra khơi thua lỗ anh cũng phải bỏ tiền túi trả lương cho các thuyền viên. Ông chia sẻ: “Nếu sử dụng lao động tại chỗ phải cần đến 10 người, còn đối với lao động ngoại tỉnh thì chỉ cần 7 người là yên tâm vươn khơi. Các chủ tàu vỏ thép đều phải thuê lao động ngoại tỉnh. Tính sơ sơ ở xã Xuân Hội này có gần 100 lao động ngoại tỉnh, trong đó hơn 30 người quê Nam Định, còn lại Thanh Hóa, Nghệ An… Họ tuổi đời trẻ, có nhiều kinh nghiệm với nghề rê khơi đánh bắt xa bờ nên năng suất cao hơn”.
Nguyên nhân dẫn đến khan hiếm lao động hiện nay là do phong trào xuất khẩu lao động ngày càng đông. Dù đây được đánh giá là hướng đi mới, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể song cũng gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tại chỗ. Số lao động còn ở lại bị “già hóa”, không thể làm được công việc nặng và không chịu được sóng to giữa biển khơi. Bên cạnh đó, các thuyền viên ngoại tỉnh là những lao động lành nghề, có kinh nghiệm, làm việc chăm chỉ, tâm huyết.