Sau cú sốc tôm hùm nuôi lồng tại các xã: Vạn Thạnh (Vạn Ninh), Cam Bình (Cam Ranh) bị chết hàng loạt vì bệnh sữa, người nuôi trong tỉnh Khánh Hòa lại đang gặp phải khó khăn khác khi giá tôm liên tục giảm. Đến thời điểm này, giá tôm hùm chỉ còn 800 ngàn đồng/kg, giảm 1 triệu đồng/kg so với thời gian trước.
Thiệt cả đôi đường
Khánh Hòa có khoảng 30 ngàn lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh và Nha Trang. Những năm gần đây, do bệnh sữa trên tôm hùm bùng phát nên số lồng thả nuôi trên địa bàn tỉnh đã giảm dần theo từng năm. Vụ tôm năm 2012, toàn tỉnh chỉ còn gần 20 ngàn lồng được thả nuôi, sản lượng ước khoảng 1.000 tấn tôm thương phẩm. Từ đầu năm đến nay, bệnh sữa trên tôm hùm tiếp tục bùng phát ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trong đó, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) bị thiệt hại nặng nề nhất, mỗi ngày có khoảng 400 – 500 kg tôm bị chết, trong đó hơn 80% chết vì bệnh sữa, gây thiệt hại cho người nuôi hàng trăm tỷ đồng. Theo người nuôi tôm, thời điểm năm ngoái, bình quân giá tôm hùm loại 1 bán hơn 2 triệu đồng/kg, có thời điểm lên đến 2,8 triệu đồng/kg. Thế nhưng, đến đầu năm nay, giá tôm hùm giảm còn 1,3 – 1,7 triệu đồng, hiện nay chỉ 800 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Khắc Dũng – người nuôi tôm ở thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) cho biết: “Năm ngoái, do tôm hùm được giá, vợ chồng tôi dốc hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng mới thả được 4.000 con tôm giống. Thế nhưng, từ tháng 10 âm lịch năm ngoái đến nay, do bệnh sữa tái phát, tôm chết trắng bè nên số lượng tôm nuôi chỉ còn lại một nửa (khoảng 2.000 con). Đến thời điểm này, thời gian nuôi tôm đã được 12 – 14 tháng, trọng lượng 1 – 1,4 kg/con, thế nhưng chưa thể xuất bán vì giá thấp”. Theo ông Dũng, tiền đầu tư mua tôm giống đã hết 800 triệu đồng (200 ngàn đồng/con); chưa kể tiền đầu tư lồng bè, nhân công, mỗi ngày, tiền thức ăn cho tôm đã ngốn vài triệu đồng. Với khoảng 2.000 con tôm còn lại, giá bán phải được 1,5 triệu đồng/kg mới có lãi, còn giá thấp như hiện nay thì lỗ nặng.
Nuôi tôm hùm lồng ở xã Cam Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa).
Bà Nguyễn Thị Loan – người thu mua tôm hùm thịt ở Nha Trang cho biết: “Giá tôm hùm thường không ổn định, tăng hay giảm đều phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Tôi mua tôm để bán lại cho các điểm thu mua lớn hơn. Khi đủ hàng, họ lại xuất khẩu đi Trung Quốc. Chúng tôi không phải là người quyết định giá, mua tôm với giá nào đều thông qua các điểm thu mua, liên lạc qua điện thoại hàng ngày, hàng giờ. Tôi thu mua tôm chủ yếu chỉ kiếm tiền công”.
Ông Phan Văn Ni – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Toàn xã có 350 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, có 900 hộ nuôi với 7.000 lồng tôm hùm. Tình trạng tôm hùm chết xảy ra từ tháng 10 âm lịch năm trước và kéo dài cho tới nay. Thời điểm trước Tết âm lịch, lúc cao điểm, 1 ngày, số tôm chết trong xã lên đến 400 kg. Hiện nay, các vùng nuôi trên địa bàn xã vẫn còn xảy ra tình trạng tôm chết nhưng không đáng kể, môi trường vùng nuôi đang dần dần ổn định. Tuy nhiên, giá tôm hùm giảm mạnh đang gây không ít khó khăn cho người nuôi. Những năm trước đây, do tôm bị chết, nhiều người nuôi tôm còn nợ ngân hàng nên việc vay thêm vốn gặp nhiều khó khăn, buộc người nuôi tôm phải vay bên ngoài. Một số người vay vốn đã đến hạn trả nợ đành phải bán tôm, mặc dù giá tôm rất thấp”.
Cần phát triển vùng nuôi theo quy hoạch
Ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tôm hùm chủ yếu được nuôi tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tuy nhiên, chỉ một phần rất ít tôm hùm được tiêu thụ tại các nhà hàng cao cấp trong nước, số còn lại đều xuất khẩu sống sang Trung Quốc theo dạng tiểu ngạch. Đến nay, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đứng ra thu mua, ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch với người nuôi. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chậm vì thương lái Trung Quốc mua hàng cầm chừng, thậm chí họ lợi dụng tâm lý người nuôi không bán trong khi tôm bị bệnh sẽ càng hao hụt dần để tiếp tục ép giá.
Do nghề nuôi tôm hùm lồng ở Khánh Hòa đang phát triển tự phát nên nguồn nước, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, hiện tượng tôm mắc bệnh chết ở một số vùng nuôi vẫn thường xảy ra. Để nghề nuôi tôm hùm phát triển ổn định, yếu tố then chốt là thực hiện nghiêm túc việc phát triển vùng nuôi theo quy hoạch, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi. Mặt khác, ngành Nông nghiệp cần sớm thành lập cơ quan thú y chuyên về thủy sản, thường xuyên theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.