Trong tình hình thị trường xuất khẩu gặp nhiều trở ngại về rào cản thương mại như hiện nay, MSC là một “cứu cánh” giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cơ hội thâm nhập và mở rộng vào các thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Nghề khai thác cá ngừ đại dương và cá ngừ vằn của Việt Nam cũng đang hướng tới chứng nhận này, để đảm bảo phát triển bền vững.
Sản phẩm cá ngừ khai thác hướng đến chứng nhận MSC Ảnh: ST
MSC
MSC là chữ viết tắt của Marine Stewardship Council – Hội đồng quản lý biển. Đây là một tổ chức phi chính phủ được thành lập để khuyến khích các vùng khai thác thủy sản bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm trên toàn thế giới thông qua các giải pháp thị trường dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cả về môi trường và thương mại. Sản phẩm thủy sản sử dụng nhãn hiệu của MSC đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác một cách có trách nhiệm, thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, MSC là một trong số các loại nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới, nó giúp chứng nhận các ngành ngư nghiệp bền vững.
Hiện có trên 250 nghề cá có được chứng nhận MSC, với tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Các nghề cá được chứng nhận MSC hiện đang khai thác 12% lượng đánh bắt trên biển toàn cầu và số liệu mới cho thấy số lượng hải sản có nhãn MSC đã tăng 10% trong năm 2016 (khoảng 660.000 tấn trong tháng 3/2016 lên đến 731.000 tấn vào tháng 3/2017).
Vai trò thiết yếu
Một báo cáo mới của Tổ chức Phát triển Thủy sản Bền vững Quốc tế (ISSF) cho biết, phần lớn các trữ lượng cá ngừ trên thế giới không đáp ứng các tiêu chuẩn MSC. Chỉ có 6 trong số 19 trữ lượng cá ngừ thương mại lớn đang được quản lý để tránh tình trạng đánh bắt quá mức và khôi phục quần thể cá cạn kiệt; bởi, phần lớn các loài này không được bảo vệ theo các quy tắc kiểm soát thu hoạch (HCRs) từ các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs).
Tại Việt Nam, hiện các sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, đang được nhiều thị trường ưa chuộng như Nhật Bản, EU, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc…
Cùng đó, các nước nhập khẩu cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ vằn luôn yêu cầu người đánh bắt phải cung cấp lý lịch, nguồn gốc con cá. Việc đạt được chứng nhận MSC giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ các thị trường như EU, Nhật Bản. Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng tiêu chí MSC để xác định nguồn gốc con cá. Do vậy, đây có thể là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương và cá ngừ vằn của Việt Nam trong một tương lai gần.
Trước nhu cầu hội nhập tốt hơn đối với sản phẩm cá ngừ Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này, việc thực hiện một dự án FIP mở rộng cho đối tượng cá ngừ vằn để cải thiện nghề cá theo hướng xây dựng được nhãn sinh thái MSC là cần thiết. Do đó, Oxfam Việt Nam và Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (Vinatuna), ICAFIS thuộc Hội Nghề cá Việt Nam đã phối hợp thực hiện Chương trình cải thiện nghề khai thác cá ngừ vằn tại Việt Nam thông qua hợp tác công tư (Chương trình FIP cá ngừ vằn Việt Nam); mục tiêu xây dựng các hoạt động cải thiện nghề khai thác cá ngừ vằn tại Việt Nam dựa theo tiêu chuẩn MSC và hướng tới nhãn sinh thái MSC (FIP đầy đủ).
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Vinatuna cho biết, năm 2017, các bên liên quan đã thống nhất thực hiện triển khai Chương trình FIP cá ngừ vằn Việt Nam dựa theo các tiêu chuẩn MSC và hướng tới đạt được chứng nhận MSC. Lộ trình được thực hiện 5 năm (2018 – 2023).
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, chuyên gia đánh giá MSC tại Việt Nam chia sẻ, MSC là một chứng nhận quốc tế uy tín cho sản phẩm khai thác thủy sản, có thị trường tiêu thụ trên 100 quốc gia trên thế giới. Nhiều nghề cá trên thế giới khi đạt được chứng nhận MSC không chỉ có lợi thế về thị trường bán hàng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp, nghề cá. Trong bối cảnh hiện tại, khi cộng đồng thế giới đề cao việc sản xuất bền vững, có trách nhiệm thì hệ thống chứng nhận như MSC có thể coi là một thước đo tin tưởng cho quá trình thực hành của người dân và các bên liên quan. Đây cũng là chia khóa đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các bên trong việc từng bước gỡ “thẻ vàng”.
Tại hội thảo khởi động Chương trình cải thiện nghề khai thác cá ngừ vằn tại Việt Nam thông qua chương trình hợp tác công tư (PPP), các đại biểu cho rằng, để thực hiện thành công việc cấp chứng nhận MSC cho nghề cá ngừ vằn Việt Nam, cần có sự đồng lòng, chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến và thương mại cá ngừ, cộng đồng và các bên tham gia khác.
Hội nghị đã đi đến thống nhất: Sẽ xây dựng chương trình FIP cho cá ngừ vằn Việt Nam khai thác hợp pháp ở ngư trường FAO 61 và FAO 71 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để chương trình được thực hiện thành công theo PPP thì vai trò của các bên liên trong chuỗi phải tích cực tham gia và đồng hành cùng Vinatuna, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp; Phía Vinatuna, Hội Nghề cá Việt Nam và Oxfam tại Việt Nam sẽ thu hút các nguồn tài trợ cũng như đóng góp tài chính của các nhà thu mua quốc tế… để thực hiện Chương trình dự án này.