Năm 2015, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 61, cấm tàu giã cào có công suất 150 mã lực trở lên hoạt động từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7 (mùa sinh sản), nhờ đó, nguồn lợi thủy sản sinh sôi phát triển.
Đội tàu cá làm nghề giã cào cao tốc tại Phan Rí Cửa. Ảnh: Mai Nghiên Anh Bùi Văn Đương thu hoạch cá dứa.
Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến ngày mở cửa cho tàu giã cào cao tốc ở Phan Rí Cửa hoạt động trở lại sau mùa cấm năm 2018. Quy định này giúp nguồn hải sản phát triển bền vững, nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
Tại cửa biển Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, những chiếc tàu cá của bà con ngư dân làm nghề giã cào cao tốc xếp một hàng dài ngay trước bến. Trên những chiếc tàu này, ngư dân địa phương tranh thủ làm lại tời, trục cuốn, tu bổ lại máy móc, vá lưới… Trong suốt thời gian neo đậu, các ngư dân thường xuyên tưới nước, che phủ để làm mát tàu. Tất cả ngư dân đều sẵn sàng cho việc xuất bến ra khơi làm nghề giã cào, khi thời gian hạn chế đánh bắt đến ngày 31/7 đã đến gần.
Bình Thuận là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện các quy định cấm đánh bắt một số loại hải đặc sản vào mùa sinh sản và cấm nghề giã cào bay (giã cào cao tốc) có công suất từ 150 mã lực. Một số ngư dân ở Phan Rí Cửa từng kéo lên UBND xã ở khu vực Phan Rí Cửa vì thắc mắc quy định này. Nhưng sau một thời gian, người dân đã bắt đầu quen với lệnh cấm vì nhận ra việc hạn chế đánh bắt mùa sinh sản đã mang lại hiệu quả, nhất là giúp các ngư dân đánh bắt gần bờ, ngư dân nghèo có được đời sống ổn định, nhờ nguồn thủy sản được tái tạo.
Bình Thuận là ngư trường lớn thứ 2 trong cả nước, có chiều dài bờ biển 192 km. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng biển này những loại thủy đặc sản như: sò lông, dòm nâu, điệp, bàn mai, nghêu lụa… Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, qua khảo sát và nghiên cứu, địa phương đã tổ chức cấp giấy phép nghề lặn sò, hàng năm ra thông báo cấm đánh bắt các loại thủy đặc sản này từ ngày 1-4 đến hết 31-7. Bên cạnh đó địa phương phục hồi và tái tạo nguồn lợi, năm 2014-2015 thả xuống biển hơn 21 triệu con điệp giống, hơn 112 tấn sò lông, xây dựng khu bảo tồn rùa tại Hòn Cau, xây dựng các mô hình cộng đồng bảo vệ sò.
Từ năm 2015, tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 61 tổ chức cấm có thời hạn đối với tàu làm nghề giã cào có công suất 150 mã lực trở lên. Trong thời gian cấm, ngư dân có thể kiếm sống bằng cách bỏ lưới giã cào đáy đi đánh bắt ngoài khơi. Khó khăn khi thực hiện quy định này là cấm được tàu ở địa phương thì tàu giã cào bay ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kéo ra vùng biển Bình Thuận, trong khi tàu tuần tra của lực lượng Thanh tra thủy sản địa phương chỉ có 2 tàu, công suất mỗi tàu 660 mã lực, tốc độ 7 hải lý/giờ nên không đủ sức để bao quát vùng biển rộng lớn. Lực lượng Thanh tra thủy sản ở Bình Thuận duy trì thực hiện lệnh cấm gặp nhiều khó khăn.
Ngày 11/7 vừa qua, khi ngư dân thông báo cho Thanh tra thủy sản về việc nhiều tàu giã cào ở địa phương khác đang cào gần bờ, trong khi tàu giã cào của địa phương thì đang chấp hành tốt quy định và neo trong bến. Thanh tra thủy sản cho tàu tuần tra ra tiếp cận và đã bị các tàu này chống trả. Từ trước đến nay, những vụ tàu giã cào chống lại Thanh tra thủy sản từng xảy ra ở mức nghiêm trọng. Vào ngày 23 tháng 9 năm 2016, hai tàu cá BV 90314 TS và BV 90315 TS, do ông Trần Hữu Đầu ở Bà Rịa Vũng Tàu làm thuyền trưởng đã cào cá trái phép, khi lực lượng Thanh tra thủy sản lên tàu kiểm tra, các ngư dân đã chống trả và đẩy anh Lê Bá Quốc Hùng xuống biển, đạp 2 nhân viên khác xuống thúng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, cho biết, người dân kêu cấm đánh bắt bằng nghề giã cào bay 4 tháng là dài quá, xin chỉ 3 tháng thôi. Nhưng địa phương thuyết phục bà con rằng, thời gian cấm đánh bắt là dựa trên kết quả nghiên cứu, đó là mùa các loại hải sản vào bờ sinh sản và sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi cho chính bà con. Hiện nay, địa phương tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề thân thiện với môi trường. UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định 61, cấm đóng mới tàu làm nghề giã cào, không cho phép chuyển đổi tàu lưới sang làm giã cào.