Đến nay, có 21 chỉ tiêu đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, các chỉ tiêu trên khó thành hiện thực.
Chỉ áp dụng cho tàu vỏ thép, vỏ composite, loại trừ tàu vỏ gỗ là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân khó tiếp cận Nghị định 17. Ảnh: V.N
Chưa mặn mà
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, 21 chỉ tiêu đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17 gồm Núi Thành có 10 trường hợp, Thăng Bình có 4, Duy Xuyên có 4, Hội An có 1, Tam Kỳ có 2. Là một trong 3 trường hợp đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17 của huyện Thăng Bình, ngư dân Diệp Đình Dũng ở thôn Tân An, xã Bình Minh cho biết, ngư dân rất hưởng ứng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, hiện đại để sản xuất đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, ngư dân không dễ huy động nguồn vốn lớn để tiếp cận cơ chế. “Khác với Nghị định 67 là Nhà nước hỗ trợ ngư dân vay vốn của ngân hàng chiếm 95% giá trị đóng tàu rồi sau đó hỗ trợ lãi suất lên đến 6%/năm trong tổng số 7%/năm ngư dân phải trả cho ngân hàng. Với nghị định 17, chúng tôi chỉ được hỗ trợ 35% giá trị con tàu sau khi đã hoàn thành việc đóng mới. Nghị định mới chỉ áp dụng cho tàu vỏ composite, vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên có giá trị đến hơn 10 tỷ đồng nên chúng tôi khó xoay xở vốn đóng tàu để thụ hưởng” – anh Dũng nói.
Hiện tại, anh Dũng là chủ tàu vỏ gỗ QNa-95229 có công suất 718CV hành nghề chụp mực ở ngư trường xa bờ. Anh Dũng cho biết, mỗi tháng có thể đi 1 – 2 chuyến biển, thu lợi gần 100 triệu đồng/tháng. Sản xuất hiệu quả với nghề chụp mực, anh Dũng muốn chuyển từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ composite bề thế, hiện đại hơn để làm giàu từ biển. “Tôi có 5 tỷ đồng, bán tàu đang đi biển được thêm 3 tỷ đồng, vẫn còn thiếu, cần phải vay của ngân hàng thương mại ít nhất 2 tỷ đồng. Nếu vay được, tôi thực hiện dự án, đóng xong tàu sẽ thanh toán ngay tiền nợ ngân hàng. Khổ nỗi, họ lần lữa mãi, không trả lời nhất quán, rõ ràng dứt khoát khi tôi liên hệ” – anh Dũng nói.
Hầu hết ngư dân “ngó lơ” với cơ chế hỗ trợ đóng tàu sau đầu tư của Nghị định 17. Huyện Núi Thành đăng ký 10 chỉ tiêu đóng tàu nhưng đó là đăng ký của chính quyền địa phương chứ không phải ngư dân. Tương tự là các địa phương Hội An, Tam Kỳ và Duy Xuyên. “Chúng tôi đăng ký với tỉnh để giữ chỉ tiêu đóng tàu cho huyện còn ngư dân trên địa bàn có đăng ký để thực hiện các chỉ tiêu đó không là chuyện sau này” – ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành nói. Ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) cho biết, địa phương đăng ký 7 chỉ tiêu đóng tàu, mong tỉnh phân bổ trước rồi sau đó có ngư dân nào muốn thực hiện thì làm hồ sơ. Đến nay, chưa có ngư dân nào tỏ bày muốn đóng tàu theo Nghị định 17.
Khó thành hiện thực
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho rằng, dù đã tuyên truyền, phổ biến nhiều đợt ở các phường Cẩm Nam, Cẩm An, Cửa Đại, xã Cẩm Thanh nhưng chưa có ngư dân nào đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17. “Có quá nhiều cái khó khiến ngư dân không dám đăng ký đóng tàu theo nghị định. Thứ nhất, chỉ triển khai với tàu vỏ thép, composite, còn tàu vỏ gỗ bị loại trừ. Thứ hai, ngư dân chưa tự tin vận hành tàu có công suất 800 – 1.000CV theo quy định. Cái khó thứ ba là ngư dân hầu như không thể huy động đủ vốn để đóng tàu lớn rồi sau đó mới có thể được nhận hỗ trợ” – ông Lê Đình Tường nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngư dân trên địa bàn tỉnh rất muốn sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại, vững chãi để sản xuất thuận lợi hơn nhưng họ không dám đăng ký triển khai vì lo ngại giá trị kinh tế thu được sẽ không cao sau khi con tàu hoàn thành và đi vào hoạt động. Nhiều ngư dân muốn tiếp cận chính sách đóng tàu theo Nghị định 17 nhưng qua khảo sát sản xuất của các “tàu 67” đang có trên địa bàn tỉnh phần lớn hoạt động kém hiệu quả nên họ… thôi!
Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đình Toàn – Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) rằng, 21 chỉ tiêu đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17 có khả năng thành hiện thực không? Ông Nguyễn Đình Toàn nói: “Có đăng ký đóng tàu thì còn có khả năng hiện hữu những con “tàu 17” trong thời gian đến. Tuy nhiên, ngư dân rất khó tiếp cận cơ chế hỗ trợ sau đầu tư”. Thực tế là từ năm 2012, Quảng Nam đã triển khai cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, hoạt động trên các vùng biển xa theo Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Chỉ có một số ít ngư dân tiếp cận được cơ chế hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay sau khi tự huy động vốn để đóng mới hoặc cải hoán tàu cá công suất lớn. Bởi vậy, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, 29 chỉ tiêu đóng tàu công suất lớn còn lại trong số 92 chỉ tiêu được Trung ương phân bổ sẽ khó thành hiện thực. Đến nay, Quảng Nam có 63 “tàu 67” sản xuất trên các các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua 10 lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 17 ở 6 địa phương có nghề cá của tỉnh, ngành đã vận động các ngư dân phối hợp chặt chẽ với nhau, thành lập tổ hợp tác nghề cá, qua đó góp vốn đóng tàu rồi được nhận hỗ trợ 35% giá trị con tàu được đóng mới. Qua tổ hợp tác nghề cá, các ngư dân sẽ đoàn kết, có điều kiện hợp lực sản xuất hiệu quả hơn cũng như ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bán hải sản được giá, ổn định hơn sản xuất nghề biển.